Trang chủWB7Hoạt động phi công trình

Quảng Trị: Trồng ngô thích ứng biến đổi khí hậu
Khác với những vụ trồng ngô năm trước, năm nay, ông Trương Yên- thành viên HTX An Đôn đã biết áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới về trồng và chăm sóc cây ngô từ khâu làm đất, cày bừa, sử dụng chế phẩm sinh học cũng như máy gieo hạt vào ruộng ngô của gia đình mình. Nguồn giống ông Yên đưa vào sử dụng cho mô hình là giống ngô DK 6919, đây là giống ngô có thời gian sinh trưởng ngắn. Ngay từ đầu vụ, ông Yên và các thành viên khác trong HTX An Đôn đã được cán bộ kỹ thuật Trạm Khuyến nông Thị xã Quảng Trị tập huấn và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây ngô trên đồng ruộng. Nhờ thực hiện tốt các khâu như: gieo hạt, bón phân đúng quy trình kỹ thuật, phòng trừ sâu bệnh kịp thời nên với 5 sào ngô sẽ đưa về cho ông Yên gần 10 triệu đồng.

Nhờ thực hiện tốt quy trình kỹ thuật được hướng dẫn nên ruộng ngô của ông Trương Yên phát triển tốt, ít sâu bệnh

Dẫn chúng tôi đi thăm ruộng ngô, ông Yên vui vẻ cho biết, bản thân ông rất hài lòng khi tham gia thực hiện mô hình. Trong quá trình gieo cấy ngô đã ứng dụng cơ giới hóa bằng máy gieo hạt MGH-1. “Với một sào (500m2) khi áp dụng gieo hạt bằng máy chỉ mất 40-60 phút, đã tiết kiệm thời gian 3-4 lần so với việc gieo hạt bằng tay. Nhờ áp dụng công cụ gieo hạt nên tôi và bà con ở đây gieo ngô rất nhanh, khoảng cách hạt và khoảng cách hàng rất đều, độ sâu lấp hạt đạt chuẩn nên đã giúp cây mọc nhanh và đồng đều hơn, cây khỏe và sinh trưởng tốt, rất ít bị sâu bệnh”, ông Yên nói.

Theo thông tin từ Trạm khuyến nông Thị xã Quảng Trị, mô hình nhân rộng CSA trên cây ngô vụ Đông Xuân 2018 -2019, Trạm triển khai tại HTX An Đôn có 100 hộ tham gia, với diện tích 10 ha tại xứ đồng Bãi Đá. Các hộ tham gia được hỗ trợ 100% giống và 30% vật tư phân bón. Trao đổi với chúng tôi, thạc sỹ Lê Thị Hảo – cán bộ kỹ thuật Trạm Khuyến nông Thị xã Quảng Trị cho biết: Với giống ngô DK 6919, lượng giống dùng cho 01 ha là 15-20 kg; khoảng cách gieo: 70 cm x 25-30cm (tương đương mật độ 47.000 cây/ha). Thông qua việc triển khai mô hình, người dân đã nắm bắt được các kỹ thuật mới, đặc biệt các hộ thực hiện mô hình đã sử dụng đạm urê hạt vàng 46a+ thay thế urê thông thường, nhằm giảm thất thoát phân bón và tăng hiệu quả sử dụng phân cho cây. Ngoài ra, Trạm cũng đã hướng dẫn cho các hộ sử dụng chế phẩm Trichoderma nhằm gia tăng lượng vi sinh vật có ích trong đất, cải tạo đất, giúp đất tơi xốp, tăng độ phì, hạn chế một số bệnh do nấm bệnh gây hại như khô vằn, lở cổ rễ, chết ẻo. “Về lượng phân, để đảm bảo năng suất, chúng tôi đã áp dụng theo nguyên tắc 4 đúng: Đúng loại, đúng lượng, đúng lúc, đúng cách. Tổng lượng phân bón cho 1 ha sẽ là: Phân hữu cơ:10-12 tấn; Đạm urê hạt vàng 46a+: 250-300kg; Phân lân nung chảy hoặc Super lân: 400-500 kg; Kali clorua: 160-200 kg;Vôi bột: 500kg. Cách thức bón: (i) Bón lót: Vôi bón lúc cày vỡ; Bón theo rãnh 100% phân hữu cơ, 100% lân, 1/3 đạm urê hạt vàng 46a+ trộn đều và rải xuống rãnh, lấp một lớp đất mỏng rồi mới gieo hạt, tránh hạt tiếp xúc với phân. (ii) Bón thúc lần 1: Khi ngô 5-6 lá, bón 1/3 lượng đạm urê hạt vàng 46a+, 1/2 lượng kali kết hợp làm cỏ vun gốc lần 1; (iii) Bón thúc lần 2: Khi ngô chuẩn bị xoáy nõn (9-10 lá), bón 1/3 lượng đạm, 1/2 lượng kali kết hợp vun gốc lần 2 để chống đỗ”, thạc sỹ Lê Thị Hảo nói.

Trong sản xuất nông nghiệp hiện nay bộc lộ nhiều hạn chế như bón phân lãng phí gây nên thất thoát, đất ngày càng chai cứng, sâu bệnh phát sinh gây hại nhiều, độ màu mỡ của đất ngày càng giảm, vì vậy hướng sản xuất nông nghiệp bền vững, phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay là rất cần thiết cho người nông dân. Ông Ngô Bá Vương –  Giám Đốc HTX An Đôn cho biết: Để thực hiện mô hình, công tác chuẩn bị giống, vật tư được Ban quản lý HTX An Đôn chuẩn bị rất đầy đủ và chu đáo trước khi xuống vụ. Trong quá trình triển khai mô hình, Ban quản lý HTX cùng với cán bộ kỹ thuật đã chỉ đạo sâu sát, kiểm tra, thăm đồng thường xuyên, cùng với sự nhiệt tình, ham học hỏi nên bà con nông dân đã thực hiện đúng yêu cầu kỹ thuật chương trình đề ra. Sau gần 5 tháng triển khai cho thấy, giống DK 6919 được đánh giá phù hợp với điều kiện sinh thái tại địa phương, có năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu sâu, bệnh hại và có thị trường tiêu thụ ổn định. Các chỉ tiêu sinh trưởng phát triển của ruộng mô hình cao hơn ruộng đại trà, năng suất cuối cùng trên ruộng mô hình đạt 64 tạ/ha cao hơn đại trà 6,5 tạ/ha.

 
Giống ngô DK 6919 được đánh giá phù hợp với điều kiện sinh thái tại địa phương, có năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu sâu, bệnh

Ông Võ Đức Quốc – Trưởng Trạm Khuyến nông Thị xã Quảng Trị cho biết: “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với chính quyền địa phương mở rộng mô hình ở những xứ đồng khác trên địa bàn của HTX để các hộ khác có cơ hội tiếp cận khoa học kỹ thuật sản xuất ngô theo hướng hàng hóa tập trung, nhằm mang lại hiệu quả trên đơn vị diện tích và bền vững thích ứng biến đổi khí hậu, theo định hướng Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh nhà”.

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác