Trang chủWB7Hoạt động phi công trình

Dự án cải thiện nông nghiệp có tưới (WB7) mang lại nhiều lợi ích cho người nông dân

Về xã Tượng Sơn vào một sáng tháng 5, chúng tôi bắt gặp bà con nông dân đang vui vẻ, trên tay cầm các cuốn tài liệu về kỹ thuật nông nghiệp rời khỏi hội trường thôn. Khi được hỏi, bác Nguyễn Trọng Huệ - thôn Sâm Lộc - xã Tượng Sơn cho hay: Chúng tôi vừa tham gia lớp tập huấn về kỹ thuật thâm canh cây lúa theo hướng CSA do Trung tâm Khuyến nông tổ chức, với sự hỗ trợ của Dự án cải thiện nông nghiệp có tưới Hà Tĩnh (WB7), lớp tập huấn diễn ra trong vòng 11 buổi, được tổ chức theo chu kỳ sinh trưởng của cây lúa. Ngoài tổ chức trong hội trường, các học viên là bà con nông dân được các giảng viên hướng dân theo kiểu cầm tay chỉ việc ngay tại ruộng đồng.

Dẫn chúng tôi đi tham các cánh đồng sản xuất rau tươi tốt của xã Tượng Sơn, ông Nguyễn Khoa Văn – Phó chủ tịch xã Tượng Sơn - huyện Thạch Hà cho hay: Được sự quan tâm của Dự án, Trung tâm Khuyến nông đã tổ chức các lớp tập huấn, đồng thời hỗ trợ giống, phân bón để xây dựng các mô hình sản xuất cây trồng theo hướng CSA.

Qua chương trình đã định hướng cho người nông dân sản xuất nông nghiệp theo hướng CSA (Climate Smart Agriculture) là nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu (BĐKH). CSA là nền nông nghiệp có khả năng cho sản lượng và lợi nhuận tăng một cách bền vững để đảm bảo an ninh lương thực, đồng thời tăng khả năng thích ứng BĐKH và giảm nhẹ BĐKH bằng các giải pháp canh tác thông minh. So với trước đây, tham gia các mô hình CSA mang lại hiệu quả rõ rệt, năng suất cây trồng tăng 5 - 10%, các chi phí đầu vào như giống, phân bón, thuốc BVTV, đặc biệt là nguồn nước tưới được giảm đáng kể. Cho nên hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp đã tăng lên.

Ông Nguyễn Khoa Văn - PCT xã Tượng Sơn, cùng CBKT kiểm tra Mô hình Sản xuất Bí xanh

Ông Nguyễn Hữu Ngọc - phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông chia sẻ: Thực hiện mục tiêu tổng thể của Dự án là cải thiện sản xuất nông nghiệp bền vững, nhằm phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn thích ứng biến đổi khí hậu, tăng giá trị gia tăng cho sản xuất nông nghiệp theo định hướng Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó cụ thể là Chuyển đổi phương thức sản xuất nông nghiệp của các tỉnh dự án theo hướng thâm canh, chuyển đổi cơ cấu, đa dạng hóa cây trồng, và thích ứng biến đổi khí hậu nhằm đảm bảo sự ổn định của sản xuất nông nghiệp, tăng giá trị sản phẩm, tăng thu nhập của người nông dân.

Không những tại xã Tượng Sơn - huyện Thạch Hà, mà trên 32 xã trong toàn tỉnh, Trung tâm Khuyến nông đã tổ chức nhiều lớp đào tạo, tập huấn về sản xuất cây rau màu và thâm canh sản xuất cây lúa và triển khai xây dựng các mô hình nhân rộng chính, nhân rộng đại trà về cây rau màu và cây lúa. Cụ thể vụ Đông năm 2018 tổ chức 56 lớp tập huấn và thực hiện mô hình nhân rộng chính với diện tích 215 ha rau; vụ Xuân năm 2019 tổ chức 116 lớp tập huấn và thực hiện mô hình nhân chính với diện tích 1.719 ha lúa, 55 ha rau. Các lớp tập huấn này được tổ chức trong vòng 3 ngày với 30 học viên/lớp. Vụ Hè Thu và vụ Đông 2019 đã tổ chức chương trình nhân rộng đại trà với 296 lớp tập huấn, mỗi lớp 100 học viên tham gia. Chương trình tập huấn được chính quyền và bà con nông dân địa phương đánh giá cao, tham dự đông đủ với 34.760 lượt người tham gia.

Thành công của Dự án Cải thiện nông nghiệp có tưới tại Hà Tĩnh tĩnh đã giúp nâng cao nhận thức của người nông dân trong điều kiện thời tiết khí hậu ngày càng biến đối phức tạp, định hướng có những hành động cụ thể góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích, đồng thời giảm thiểu ô nhiễm môi trường do hạn chế được thuốc BVTV trên đồng ruộng, tạo nền tảng cho sản xuất hàng hóa nông sản sạch theo hướng bền vững./.

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác