Trang chủTin tức - Sự kiện

Chuyển đổi số trong nông nghiệp

Những năm gần đây, việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ hiện đại trong nông nghiệp đã góp phần quan trọng thay đổi phương thức sản xuất, giải phóng sức lao động, giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, việc chuyển đổi số trong nông nghiệp vẫn còn nhiều "điểm nghẽn", cần được khơi thông để giúp "dòng chảy" này lan tỏa mạnh mẽ hơn. Những năm gần đây, việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ hiện đại trong nông nghiệp đã góp phần quan trọng thay đổi phương thức sản xuất, giải phóng sức lao động, giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

 

Ứng dụng công nghệ tưới phun mưa tự động trên đồi chè ở tỉnh Nghệ An

 Việc ứng dụng công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số đã làm “thay da đổi thịt” nông nghiệp như sử dụng công nghệ Internet vạn vật (IoT) và trí tuệ nhân tạo (AI) đang đơn giản và hợp lý hoá việc thu thập, kiểm tra và phân phối tổng thể tài nguyên nông nghiệp bằng cách cảm biến và hệ thống quản trị dữ liệu Big data...

Quản lý trang trại qua ứng dụng công nghệ  

Ông Bùi Ngọc Cung ở huyện Ðơn Dương (Lâm Ðồng) đã hơn 30 năm làm nông nghiệp, giờ đã biết ứng dụng công nghệ IoT trên trang trại rộng 2 ha của mình. Hệ thống cảm biến, hộp truyền tín hiệu treo khắp trang trại cà chua và dưa baby dài hút tầm mắt, do vậy chỉ cần vài nhân công làm việc trong vườn. Ông mở điện thoại giơ cho chúng tôi xem, trên màn hình hiện ra dòng thông báo "đang tưới", bên dưới ghi rõ chi tiết lượng nước tưới, thời gian tưới. Bên cạnh là dữ liệu về thời tiết, độ ẩm, nhiệt độ, sinh trưởng của cây… Ông Cung hồ hởi: "Giờ tôi đi bất kỳ đâu cũng chỉ mở điện thoại là xem được công nhân làm việc, tình trạng dinh dưỡng và sinh trưởng của cây trồng, bớt được chi phí lao động mà vẫn an tâm lắm!".

Cũng tại Lâm Ðồng, Công ty TNHH trang trại Langbiang (Langbiang Farm) được xem là doanh nghiệp tiên phong chuyển đổi số. Ông Trần Huy Ðường, chủ trang trại rộng gần 30 ha cho biết, giờ các công nhân chỉ ngồi văn phòng "thăm" vườn, đọc dữ liệu quan trắc khí tượng, điều khiển nước tưới, phân bón, dinh dưỡng, độ ẩm. Ông Ðường cũng được biết đến là một trong những người đầu tiên ở Việt Nam canh tác rau khí canh trong nhà kính, hiện có hơn 10 loại rau cho thu hoạch cuốn chiếu hằng tuần.

Theo Vụ Khoa học công nghệ và môi trường, Bộ NN&PTNT những năm gần đây đã quan tâm nhiều hơn đến các giải pháp chuyển đổi số và ứng dụng trong hầu hết các lĩnh vực. Điển hình   vừa qua Bộ đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp. Dự kiến, Ban Chỉ đạo sẽ phê duyệt và ban hành kế hoạch chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, sau đó hoàn thiện nâng cấp hạ tầng một số phòng họp, rà soát và đồng bộ hệ thống dữ liệu, tổ chức các lớp đào tạo về kĩ năng chuyển đổi số.

Hiện nay, việc áp dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn do đầu tư cho nghiên cứu và phát triển khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp còn hạn chế; chất lượng nguồn nhân lực có chuyên môn cao về sản xuất, chế biến nông sản, sử dụng, vận hành thiết bị ( tự động, số, thiết bị phân tích...) còn thiếu. Nhiều người dân và cả doanh nghiệp thiếu vốn, thiếu thông tin để ứng dụng số hoá, trong khi quy mô đất đai nhỏ lẻ: thiếu liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác. Cơ sở hạ tầng cho phát triển, ứng dụng các công nghệ mới chưa đồng bộ, kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu hiện đại hoá nông nghiệp. Trình độ cơ giới hoá còn thấp, các công nghệ phụ trợ việc phục vụ phát triển nông nghiệp ( cơ khí, chế biến sâu, dây chuyền kiểm nghiệm sản phẩm...) chưa tương xứng với công nghệ số. Tại nhiều địa phương, nhất là các tỉnh miền núi, nhận thức và trình độ của nông dân còn hạn chế, nên khó áp dụng công nghệ mới, khoa học kĩ thuật vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

 Nguồn: Nhật Phong ( theo Báo Nhân dân)

 

 

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác