Ngày 27/12, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị trực tuyến Chuyển đổi số ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì Hội nghị.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết: Bộ NN&PTNT đã đưa Chuyển đổi Số vào nhiệm vụ trọng tâm của ngành, hướng đến mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp “minh bạch – trách nhiệm – bền vững”. Đại dịch Covid-19 là khủng hoảng toàn cầu, nhưng đại dịch Covid-19 cũng cho chúng ta những bài học và cơ hội, những suy nghĩ, tư duy tích cực về đại dịch Covid. Chuyển đổi số là cơ hội để ngành Nông nghiệp phát huy vai trò trụ đỡ của nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch và hậu đại dịch.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: Chuyển đổi số trong NN&PTNT cần một tầm nhìn xa, lựa chọn được cách tiếp cận đúng, có bước đi phù hợp và được hỗ trợ thỏa đáng từ chính sách của Nhà nước cũng như cộng đồng doanh nghiệp số. Thành công của chuyển đổi số là phải làm cùng nhau, tất cả cùng làm, nên cách tiếp cận cùng nhau là bắt buộc đối với chuyển đổi số trong nông nghiệp, phải dựa trên sự phát triển liên kết chuỗi ngang và dọc, hình thành phương thức mới và các mạng lưới hợp tác, kết nối giữa các đơn vị nội ngành và ngoài ngành, tạo ra nông nghiệp kết nối và chia sẻ, gắn chặt với thương mại số.
Theo Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, bản chất của chuyển đổi số, công nghệ số là sự kết nối. Nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp cần quy trình kỹ thuật trồng, quy hoạch; quản lý vườn trồng; thị trường vật tư nông nghiệp; thông tin thời tiết, thị trường tiêu thụ, thiên tai, dịch bệnh; điều khiển tưới nước, bón phân, chiếu sáng…; chính sách hỗ trợ sản xuất; quy trình thu hoạch, bảo quản chế biến…Trong khi đó, cơ quan quản lý cần quản lý vùng trồng; quản lý sản xuất; dự báo khí hậu, sản lượng, thi trường, thiên tai, sâu bệnh…; lập kế hoạch, chiến lược, quy hoạch; cấp phép, chứng nhận sản phẩm. Chuyển đổi số nông nghiệp cấp tỉnh cần xây dựng hạ tầng số như: hệ thống kết nối, trang thiết bị, trung tâm điều hành; xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu chuyên ngành: trồng trọt, chăn nuôi, thủy lợi, đề điều…; xây dựng các ứng dụng số phục vụ cho điều hành tại sở nông nghiệp như: trang web; phần mềm. Cấp tỉnh cần xây dựng hệ thống kết nối quan trắc dữ liệu nông nghiệp, bao gồm: hệ thống trạm quan quan trắc khí tượng nông nghiệp; mực nước và chất lượng môi trường đất và không khí tại các vùng; hoàn thiện và số hóa các, quy định quy trình kỹ thuật ngành nông nghiệp; xây dựng các ứng dụng số quản lý vận hành hệ thống cơ sở hạ tầng và hỗ trợ sản xuất, quản lý sản phẩm và kết nối thị trường nông sản cho người dân và doanh nghiệp.
Để thực hiện các công việc trên, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đề nghị Bộ sớm phê duyệt đề án chuyển đổi số của Bộ và xây dựng khung dữ liệu chung của ngành; xem xét đầu tư hoàn thiện hệ thống quan trắc dữ liệu chuyên ngành môi trường, thổ nhưỡng, thủy văn, khí tượng nông nghiệp, vận hành quản lý các hệ thống công trình thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai…; xem xét đầu tư xây dựng sàn giao dịch nông nghiệp kết nối quốc tế.
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, lâm nghiệp đã xây dựng được hệ thông tin quản lý rừng theo từng lô rừng, mỗi lô rừng có 52 trường dữ liệu khác nhau. Lĩnh vực lâm nghiệp đã có tiền đề chuyển đổi số, Tổng cục Lâm nghiệp tiếp tục xây dựng phương án gắn với Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, Tổng cục đang thực hiện thí điểm cấp giấy chứng nhận khai thác điện tử cho các tàu khai thác. Thông qua việc cấp này sẽ tiến tới thông suốt việc quản lý cơ sở dữ liệu từ khai thác đến chế biến và cấp chứng nhận sản phẩm cho xuất khẩu. Với nuôi trồng thủy sản, việc số hóa dữ liệu còn gặp nhiều khó khăn. Ngành đang tích cực làm việc với các đơn vị để làm sao số hóa đến được từng hộ nuôi chứ không chỉ đến vùng nuôi. Qua đó có được số liệu về tình hình sản xuất, sản lượng, chất lượng… phục vụ cho việc quản lý điều hành sản xuất.
Nguồn: Mard.gov.vn