Trang chủTin tức - Sự kiện

Chuyển đổi số trong nông nghiệp phải làm ngay, từ những việc nhỏ

Ngày 30/5, Bộ NN-PTNT tổ chức đoàn công tác làm việc với Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Phúc và một số cơ sở trên địa bàn về vấn đề chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp.

Hệ thống cơ sở dữ liệu quyết định chuyển đổi số

Đoàn công tác do Phó Chánh Văn phòng Bộ NN-PTNT Đặng Duy Hiển dẫn đầu, cùng với đại diện Cục Chăn nuôi, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin…

Phó Chánh Văn phòng Bộ NN-PTNT Đặng Duy Hiển dẫn đầu đoàn công tác làm việc với Sở NN-PTNT Vĩnh Phúc về công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp. Ảnh: Trung Quân.

Đây là một trong 3 chuyến khảo sát của đoàn công tác đến các vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm (Hải Dương, Vĩnh Phúc, Đồng Nai) nhằm xác định hiện trạng, nhu cầu ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong lĩnh vực NN-PTNT. Khảo sát các mô hình chuyển đổi số hiệu quả trong quản lý, sản xuất của người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, triển khai thí điểm hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu phục vụ chuyển đổi số tại các tỉnh, thành phố được lựa chọn. Bên cạnh đó, kịp thời hướng dẫn, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc, tồn tại của các địa phương để đề xuất giải pháp khắc phục.

Phó Chánh Văn phòng Bộ NN-PTNT Đặng Duy Hiển cho biết: Hiện nay, Bộ NN-PTNT đang triển khai rất mạnh mẽ chương trình chuyển đổi số quốc gia bằng việc xây dựng đề án chuyển đổi số ngành NN-PTNT đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Trong đó, xây dựng cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin phục vụ chuyển đổi số cho một số lĩnh vực ưu tiên như trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, bảo vệ thực vật, kinh tế hợp tác. Bên cạnh đó, triển khai chuyển đổi số toàn diện theo chuỗi giá trị cho một số ngành hàng nổi bật như chăn nuôi lợn, thanh long, lúa gạo Đồng bằng sông Cửu Long…

Đối với Vĩnh Phúc, ông Hiển đánh giá cao sự vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất trong việc thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ. Nhiều mô hình sản xuất trong lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản… đã ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát thời tiết, môi trường, dịch bệnh, canh tác rau an toàn…Từ đó, góp phần nâng cao giá trị sản xuất, gia tăng thu nhập, hướng tới phát triển bền vững.

Theo ông Hiển, chuyển đổi số có thể hiểu là cách làm mới, dựa vào tín hiệu và nền tảng dữ liệu. Các quyết định chỉ đạo, điều hành được đưa ra không còn dựa vào kinh nghiệm, tư duy xu thế mà phải căn cứ vào hệ thống cơ sở dữ liệu. Tuy nhiên, để làm được việc này cần phải số hóa được các thông tin, tổ chức, sắp xếp các tệp dữ liệu một cách bài bản, khoa học, thống nhất từ trung ương đến địa phương. Đây là một việc làm không hề đơn giản, cần nhiều thời gian, công sức, nếu mỗi tổ chức, cá nhân không chủ động thay đổi nhận thức, hành động quyết liệt thì sẽ rất khó nhân rộng.

“Nội dung chuyển đổi số trong nông nghiệp còn rất mới, rộng, nhiều khó khăn khi thực hiện. Tuy nhiên, phải làm ngay, làm từ những việc nhỏ, nếu không sẽ trở nên lạc hậu”, ông Hiển nhấn mạnh.

Đoàn công tác khảo sát việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số tại một số mô hình trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Trung Quân.

Sớm xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn về chuyển đổi số

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Quốc Huy, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Vĩnh Phúc thông tin: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có một số mô hình tiên phong áp dụng công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ cao để từng bước thực hiện chuyển đổi số. Tuy nhiên, chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp tại Vĩnh Phúc vẫn còn mới, chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn nên giai đoạn ban đầu triển khai gặp nhiều khó khăn.

Theo ông Huy, trong giai đoạn 2022-2025, ngành NN-PTNT Vĩnh Phúc đã đặt ra những yêu cầu về thực hiện chuyển đổi số như: Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung ngành NN-PTNT (số hóa, tạo lập dữ liệu, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu đất đai, nông nghiệp, cây trồng, vật nuôi, thiên tai, dịch bệnh, kết nối chia sẻ dữ liệu ngành, lĩnh vực phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của các cơ quan nhà nước, sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp).

Xây dựng một số mô hình nông nghiệp thông minh (trồng trọt, chăn nuôi) ứng dụng công nghệ số. Phát triển chuỗi quản lý nông sản từ sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến, tiêu thụ. Ứng dụng các nền tảng công nghệ phục vụ truy suất nguồn gốc nông sản đối với các nông sản chủ lực, sản phẩm OCOP của tỉnh.

Ứng dụng công nghệ số đưa hộ sản xuất nông nghiệp chủ lực, sản phẩm OCOP của tỉnh lên sàn thương mại điện tử. Thực hiện số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở NN-PTNT. Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá về chuyển đổi số ngành nông nghiệp của tỉnh…

Trên cơ sở đó, ông Huy thay mặt Sở NN-PTNT Vĩnh Phúc kiến nghị với Bộ NN-PTNT sớm xây dựng các tiêu chí, quy chuẩn, tiêu chuẩn về chuyển đổi số trong lĩnh vực NN-PTNT. Bên cạnh đó, xem xét đưa Vĩnh Phúc vào chương trình thực hiện chuyển đổi số của Bộ đối với các lĩnh vực chăn nuôi và trồng trọt. Tổ chức các khóa đào tạo về chuyển đổi số cho cán bộ quản lý, chuyên môn, quản trị mạng tại các Sở NN-PTNT, tổ chức hội nghị tham quan, học tập.

Sau buổi làm việc, đoàn công tác đã đến kiểm tra lớp đào tạo, tập huấn, hướng dẫn sử dụng phần mềm hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu chăn nuôi quốc gia do Cục Chăn nuôi phối hợp cùng Sở NN-PTNT Vĩnh Phúc và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) tổ chức.

Đoàn công tác đến kiểm tra lớp đào tạo, tập huấn, hướng dẫn sử dụng phần mềm hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu chăn nuôi quốc gia. Ảnh: Trung Quân.

Ông Đặng Duy Hiển thay mặt đoàn công tác đã có những chia sẻ với các học viên: Hệ thống cơ sở dữ liệu về chăn nuôi là giải pháp tối ưu cho phép các địa phương chuyển đổi số trong phát triển chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi. Dữ liệu thống kê được cập nhật liên tục, đầy đủ từ cơ sở chăn nuôi, doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi sẽ góp phần quan trọng giúp cơ quan quản lý nhà nước nắm bắt nhanh, kịp thời về biến động đàn vật nuôi, dịch bệnh trong chăn nuôi, cũng như đánh giá cung, cầu thị trường để chỉ đạo sản xuất kịp thời, hiệu quả.

Trên cở sở đó, ông bày tỏ mong muốn các học viên phát huy tinh thần tiên phong, không ngại khó, tích cực trau dồi các kiến thức, rèn giũa kỹ năng, thao tác, sử dụng hệ thống cập nhật cơ sở dữ liệu thuần thục. Đồng thời, trong quá trình thao tác những vấn đề chưa hoàn thiện, bất cập của hệ thống cần thẳng thắn trao đổi với giáo viên, cán bộ kỹ thuật để kịp thời chỉnh sửa, hoàn thiện.

Nguồn: Nongnghiep.vn

 

 

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác