Các đơn vị khai thác công trình thuỷ lợi trong tỉnh đã chủ động ứng dụng công nghệ số để vận hành hệ thống hiệu quả, nhanh chóng.
Thiết bị đo mưa tự động giúp Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thuỷ lợi Bắc Hưng Hải chủ động vận hành hệ thống
Thời gian qua, đáp ứng chỉ đạo của Bộ NN&PTNT đồng thời với mục tiêu vận hành, quản lý hệ thống thuỷ lợi hiệu quả, nhanh chóng, các đơn vị khai thác công trình thuỷ lợi trong tỉnh đã chủ động ứng dụng công nghệ số.
Hiệu quả đo mưa tự động
Trước đây, muốn có số liệu về lượng mưa để đưa ra phương án vận hành, nhân viên tại các trạm quản lý công trình thuộc Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thuỷ lợi Bắc Hưng Hải phải đo thủ công. Việc này không chỉ mất nhiều thời gian mà còn nguy hiểm khi công nhân phải thực hiện ngoài trời. Mặt khác, cách đo truyền thống có sai số lớn, lại không kịp thời nên ảnh hưởng tới quy trình điều hành trong khi việc chống úng, cứu hạn cấp bách. Trước thực tế trên, đội ngũ nhân viên công ty đã phối hợp với đơn vị tin học bên ngoài sáng chế ra thiết bị đo mưa tự động. Sau hơn 1 năm sáng chế, thử nghiệm rồi cải tiến, cuối năm 2017, thiết bị này được đưa vào sử dụng rộng rãi tại các điểm trạm. Ông Lê Ngọc Thu, Trạm trưởng Trạm Quản lý công trình Neo-My Động cho biết: “Từ khi có máy đo mưa tự động, công việc của anh em trong trạm trôi chảy hơn, không còn cảnh đợi chờ người đi đo mưa về, cân nhắc phương án phù hợp rồi xin ý kiến vận hành”.
Từ năm 2018, Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thuỷ lợi Hải Dương cũng lắp đặt 23 máy đo mưa tự động để phục vụ cho việc điều hành hệ thống. Máy đo mưa sử dụng năng lượng mặt trời, còn nước mưa là chất dẫn để kích hoạt máy hoạt động. Các thông số sẽ được truyền về máy chủ thông qua mạng internet. Chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh, máy tính có kết nối mạng là có thể cập nhật thông tin về lượng mưa ở bất cứ thời điểm nào. Nhờ vậy các đơn vị trực thuộc chủ động nắm bắt thông số về lượng mưa để triển khai biện pháp vận hành trạm bơm, cống, bảo đảm hiệu quả, an toàn. Đo mưa tự động sẽ giúp việc thống kê, tổng hợp số liệu đơn giản, thuận tiện hơn. Từ những số liệu qua các năm, công ty có thể phân tích, dự báo tình hình mưa để có những điều chỉnh phương án chống úng, chống hạn sát thực tế. Công ty đang tìm hiểu để ứng dụng máy đo mực nước tự động, xây dựng hệ thống thông số về lượng mưa, mực nước đầu vào chính xác, đáp ứng yêu cầu tưới tiêu kịp thời.
Bản đồ số thuỷ lợi được Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình Thuỷ Lợi đưa vào sử dụng trong 6 tháng vừa qua
Tiện lợi bản đồ số
Đặc thù của hoạt động thuỷ lợi là nhiều công trình đầu mối phân bổ ở các địa phương có địa hình khác nhau. Trước đây việc nắm bắt, bao quát tổng thể mạng lưới thuỷ lợi rất khó khăn, không toàn diện. Trước thực trạng này, các đơn vị khai thác công trình thuỷ lợi đã triển khai xây dựng bản đồ số, xây dựng dữ liệu thông tin đầy đủ, đồng bộ. Đây là công cụ hữu ích làm giảm bớt áp lực cho các đơn vị khác, vận hành hệ thống thuỷ lợi.
Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thuỷ lợi Hải Dương vừa hoàn thành bản đồ số với 7 lớp thông tin tích hợp trên Google Maps vào tháng 6 vừa qua. Thay vì mất công tìm tài liệu giấy lưu trữ, nhiều khi còn bị phân tán, thất lạc, các cấp lãnh đạo quản lý, phòng ban chuyên môn có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin về trạm bơm, kênh, cống, hồ đập, vi phạm thuỷ lợi… Lấy ví dụ chứng minh sự tiện lợi của bản đồ số, ông Nguyễn Văn Bột, Tổng Giám đốc công ty cho biết công trình thuỷ lợi phân bổ rộng khắp, nếu lãnh đạo công ty muốn đi kiểm tra thực tế nhiều điểm có vị trí giao thông không thuận lợi đều phải thông qua các xí nghiệp bố trí dẫn đường. Có bản đồ số, mọi rắc rối, bất cập trên đều được khắc phục, việc kiểm tra, giám sát của công ty cũng chủ động, khách quan hơn. Hơn nữa, bản đồ số còn cập nhật đầy đủ mọi thông tin, chỉ cần một vài thao tác đơn giản trên máy tính hay điện thoại thì từ lãnh đạo, cán bộ quản lý, chuyên viên, công nhân của công ty đều có thể tiếp cận.
Là công trình liên tỉnh nên bản đồ số của hệ thống thuỷ lợi Bắc Hưng Hải rất cần thiết, hữu dụng giúp các bên tham khảo dữ liệu, xây dựng quy trình tưới tiêu hợp lý giữa các vùng. Vì ở cuối nguồn nên Hải Dương có thể theo dõi tình hình, thực trạng của hệ thống tại các địa phương khác để có hướng xử lý phù hợp, nhất là trong các tình huống cấp bách do ảnh hưởng của thiên tai. Bản đồ số còn giúp việc phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị để quản lý hệ thống khoa học, hiệu quả hơn. Các hoạt động điều hành hay vi phạm trên hệ thống được cập nhật thường xuyên, liên tục nên việc trao đổi thông tin giữa các bên dễ dàng hơn.
Nhờ có sự hỗ trợ của công nghệ số mà việc quản lý, vận hành hệ thống thuỷ lợi vốn phức tạp, cồng kềnh trở nên đơn giản, thuận tiện hơn. Tuy nhiên, về lâu dài cần phải có sự trao đổi, chia sẻ giữa các đơn vị trên nền tảng số để tạo sự đồng bộ trong điều hành mạng lưới thuỷ lợi.
Nguồn: Dũng Cường – “Số hoá vận hành hệ thống thuỷ lợi”