Ngày 01/12/2016, tại Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị khởi động dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững đồng bằng sông Cửu Long do Ngân hàng thế giới tài trợ với tổng mức đầu tư là 385 triệu USD. Mục tiêu của Hội nghị nhắm giới thiệu nội dung dự án, trao đổi, thống nhất cách thức tổ chức thực hiện, cũng như chia sẻ thông tin liên quan đến quy trình thủ tục của Nhà tài trợ về đầu thầu, quản lý tài chính và chính sách an toàn để tạo thuận lợi cho công tác triển khai thực hiện.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thằng đã tham dự và chủ trì Hội nghị. Ngoài ra, hội nghị còn có sự tham gia của Phó trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ - Ông Nguyễn Trung Hiếu, phụ trách ngành nông nghiệp vùng Đông Á của Ngân hàng Thế giới - Ông Nathan Belete, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công An, các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lãnh đạo UBND tỉnh và sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 9 tỉnh vùng Dự án.
Mục tiêu tổng quát của Dự án là tăng cường các công cụ lập quy hoạch/kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu cho các hoạt động quản lý tài nguyên đất và nước tại một sồ tỉnh được lựa chọn khu vực ĐBSCL thông qua thực hiện 5 Hợp phần:
- Hợp phần 1 - Đầu tư để tăng cường công tác giám sát. phân tích và hệ thống cơ sở dữ liệu;
- Hợp phần 2 - Quản lý lũ vùng thượng nguồn;
- Hợp phần 3 - Thích ứng với chuyển đổi độ mặn vùng Cửa sông;
- Hợp phần 4 - Bảo vệ khu vực bờ biển vùng Bán đảo;
- Hợp phần 5 - Hỗ trợ Quản lý và Thực hiện Dự án.
Phát biểu tại hội nghị, Phụ trách ngành nông nghiệp vùng Đông Á của Ngân hàng Thế giới – Ông Nathan Belete nêu bật ý nghĩa của Dự án góp phần hỗ trợ người nông dân tại vùng thượng nguồn, cửa sông và ven biển đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu trong tương lai gần, xây dựng cơ chế giám sát, hệ thống chia sẻ thông tin nhằm tăng cường, các công cụ hỗ trợ ra quyết định. Ông Nathan Belete cũng khẳng định Dự án này là một phần quan trọng trong cam kết lâu dài của Ngân hàng Thế giới tại đồng bằng sông Cửu Long nhằm tăng cường quản lý tổng hợp vùng đồng bằng bằng cách tăng cường phối hợp với các ngành, các tỉnh, và các đối tác phát triển để lên lập kế hoạch, đưa ra các ưu tiên và thực hiện các khoản đầu tư.
Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ - Ông Nguyễn Trung Hiếu đánh giá cao mục tiêu và hoạt động của Dự án là rất thiết thực và phù hợp với những vấn đề bức xúc hiện nay tại vùng đồng bằng sông Cửu Long. Theo Ông Nguyễn Trung Hiếu, trong quá trình thực hiện, cần lưu ý một số vấn đề như sau để tránh chồng chéo, đảm bảo tính hiệu quả, bền vững của Dự án ba gồm: (i) Phối hợp với với một số đơn vị chuyên môn của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ để thực hiện Hợp phần 1 của Dự án; (ii) Xem xét lồng ghép, phối hợp với các Chương trình, Dự án của quốc gia; (iii) tăng cường sự tham gia của các bên liên quan, đặc biệt là người dân trong quá trình lập quy hoạch.
Đại diện các tỉnh vùng Dự án đánh giá mục tiêu và các hạng mục đầu tư của Dự án là phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương và mong muồn các Bộ, ngành trung ương và Ngân hàng Thế giới tiếp tục hỗ trợ đầu tư cho vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng đã đánh giá ý nghĩa của việc đầu tư dự án ICRSL trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng ảnh hường tiêu cực đến vùng đồng bằng sông Cửu Long. Thứ trưởng cũng gửi lời cảm ơn đến các đơn vị liên quan trong quá trình chuẩn bị Dự án và đề nghị các Bộ, ngành từ trung ương đến địa phương phối hợp thực hiện để Dự án đạt được mục tiêu đề ra, đảm bảo minh bạch, tiết kiệm.