Nghị quyết 120 của Chính phủ có sứ mệnh lịch sử với ĐBSCL. Trong hơn 3 năm qua đã tạo ra sự chuyển biến căn bản về mặt nhận thức, tư duy phát triển ĐBSCL theo hướng “thuận thiên” và bước đầu đạt được những thành tựu quan trọng. Đối với lĩnh vực nông nghiệp, trục nông sản chủ lực đã được xoay chuyển như thế nào để đáp ứng chiến lược phát triển ĐBSCL bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, thưa ông?
Nghị quyết 120 được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định ban hành vào tháng 11/2017. Có thể nói, đây là chủ trương lớn nhất từ trước đến nay về phát triển vùng, với tầm nhìn dài hạn, bao quát và rất nhiều nét mới. Thậm chí có những chủ trương, quan điểm khác hẳn so với trước đây.
Đối với ngành nông nghiệp, có ba quan điểm lớn. Một là xoay trục sản phẩm chủ lực. Cả một quá trình dài sau năm 1975 đến 2007, chúng ta kiên trì theo đuổi trục sản phẩm là lúa gạo - trái cây - thủy sản thì Nghị quyết 120 đảo ngược lại là thủy sản - trái cây và lúa gạo.
Nói như vậy không phải là chúng ta không coi lúa gạo là mặt trận hàng đầu của ĐBSCL, mà vấn đề là xoay trục theo hướng ưu tiên phát triển thủy sản để thực hiện chủ trương lớn thứ hai trong Nghị quyết 120, coi tất cả các nguồn nước mặn, nước lợ, nước ngọt đều là tài nguyên.
Nếu chúng ta lật lại lịch sử, có một giai đoạn dài, đặc biệt từ năm 1975 cho đến trước khi đổi mới, đất nước rất khó khăn. Khi ấy, mệnh lệnh sản xuất là sản xuất thật nhiều lúa. Chính vì thế, một số vùng chúng ta rửa mặn, rửa chua, rửa phèn để ngọt hóa nguồn nước, phát triển cây lúa.
Nhờ đó, sản lượng lúa đã tăng lên rất nhiều. Năm 1975, sản lượng lúa của ĐBSCL là 3 triệu tấn, đến nay gần 30 triệu tấn. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, muốn thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là hạn, mặn thì chúng ta phải coi nước mặn, nước lợ cũng là tài nguyên. Mà nước mặn, nước lợ lại rất phù hợp với nuôi trồng thủy sản.
Vấn đề thứ ba, để ĐBSCL phát triển bền vững theo hướng thuận thiên thì chúng ta phải “thích nghi có kiểm soát”. Thuận thiên không phải chúng ta sống phụ thuộc vào thiên nhiên theo nghĩa đen, mà thuận thiên là chúng ta có tác động ở một mức phù hợp để không trái với quy luật tự nhiên.
Sau 3 năm triển khai Nghị quyết 120, chúng ta đã thành công bước đầu trong việc tái cơ cấu nông nghiệp ĐBSCL theo hướng xoay trục sản phẩm chủ lực.
Cụ thể, trong cơ cấu nông nghiệp, tỷ trọng của thủy sản đã tăng từ 34% năm 2017 lên lên 42% năm 2020; trong khi đó, tỷ trọng của lúa gạo giảm từ 27% xuống 25%. Đặc biệt hơn là, mặc dù tỷ trọng lúa gạo giảm xuống nhưng giá trị lại tăng lên. Đó là điều rất ý nghĩa.
Và để tiếp tục “xoay trục”, tháng 3/2020, Thủ tướng đã phê duyệt Đề án tái cơ cấu ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với xây dựng NTM. Đây là một đề án rất lớn và các địa phương sẽ triển khai cùng Bộ NN-PTNT để làm sao thực hiện thành công đề án này, qua đó nâng cao giá trị sản xuất, nhất là giá trị thủy sản. Chúng tôi rất hy vọng sau cuộc họp sơ kết 3 năm triển khai Nghị quyết 120 vào ngày 13/3 tới đây tại Cần Thơ, Chính phủ và các địa phương sẽ cùng bàn luận thêm, từ đó Thủ tướng sẽ quyết định các giải pháp khác để xoay trục thành công.
Như ông đã nói, thành tựu đạt được là rất nhiều. Tuy nhiên cũng phải thừa nhận rằng ĐBSCL đang đối mặt với rất nhiều thách thức. Theo ông, đâu là những thách thức lớn nhất với ĐBSCL?
Nói một cách tổng thể, chúng tôi dùng câu “ĐBSCL đang đứng trước rất nhiều thách thức, đến mức làm thay đổi đồng bằng theo hướng bất lợi”. Rất nhiều thách thức mà trong quá trình nhận diện, soạn thảo và ban hành Nghị quyết 120, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nhìn thấy. Ví dụ như trong thách thức về biến đổi khí hậu, thách thức lớn nhất chính là nước biển dâng. Nhưng thực tế, tốc độ nước biển dâng nhanh hơn cả dự báo trước đó, dẫn đến ngập lụt, sạt lở bờ sông, bờ biển...
Sự suy giảm nguồn nước vùng hạ nguồn sông Mê Kông cũng diễn ra nhanh hơn, do các nước thượng nguồn giữ lại để phục vụ các mục đích khác nhau. Nhưng một vấn đề rất nguy hiểm là Thái Lan, Campuchia và một số nước khác đang nghiên cứu phương án chuyển nước khỏi lưu vực sông Mê Kông để phục vụ phát triển sản xuất.
Và đến thời điểm hiện tại, theo quan sát của chúng tôi, tốc độ đưa các ý tưởng này vào hiện thực của các nước thượng nguồn nhanh hơn. Cũng theo cập nhật của chúng tôi, tổng số hồ thủy điện các nước thượng nguồn sông Mê Kông đã và đang làm có dung tích trữ khoảng 60 tỷ m3. Theo quy hoạch đến năm 2040, khi các nhà máy thủy điện được xây dựng xong, sẽ có 110 tỷ m3 được tích trữ tại các hồ. Khi ấy, nguồn nước về ĐBSCL sẽ là câu chuyện lớn hơn rất nhiều.
Chỉ trong vòng 5 năm vừa qua, chúng ta đã chứng kiến hai đợt hạn mặn lịch sử vào năm 2015 - 2016 và 2019 - 2020. Rõ ràng trong Nghị quyết 120, chúng ta đã nhận diện đúng, nhưng tốc độ của nó nhanh hơn với dự báo của chúng ta, đó mới là thách thức lớn.
Chúng ta cần hành động nhanh hơn, quyết liệt hơn. Ví dụ, nếu chúng ta không có cơ chế liên kết vùng, không có quy hoạch tổng thể cho cả vùng ĐBSCL giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2045 thì rất khó phân công nhiệm vụ của từng địa phương, xác định thế mạnh của mình để làm gì phù hợp với biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh như thế này.
Thứ nữa, là nói gì thì nói, thu nhập của người dân ĐBSCL cao hơn so với trước đây rất nhiều nhưng vẫn là một vùng trũng nói chung. Bà con vùng Tây Nam bộ có thu nhập cao hơn Tây Bắc, thấp hơn Tây Nguyên. Nhưng so với mặt bằng chung cả nước, nhất là ĐBSH thì rõ ràng là thấp hơn rất nhiều. Áp lực từ thu nhập khiến ĐBSCL khó giữ chân người lao động ở lại mảnh đất của mình.
Trong khó khăn bao giờ cũng có giải pháp ứng phó. Vừa qua chúng ta đã đề ra những giải pháp rất hiệu quả. Ví dụ như việc chủ động xuống giống sớm để né hạn qua đó tạo ra vụ đông xuân kinh điển, hay là việc quyết đoán đầu tư, đẩy nhanh tiến độ các công trình kiểm soát mặn, thích ứng biến đổi khí hậu như dự án cống Cái Lớn - Cái Bé, cống Ninh Quới... Bài học đặt ra ở đây là gì, thưa ông?
Trong Nghị quyết 120, Chính phủ giao cho Bộ NN-PTNT xây dựng 3 đề án lớn là: Đề án tái cơ cấu nông nghiệp ĐBSCL gắn với thích ứng biến đổi khí hậu và xây dựng thông thôn mới; Đề án hiện đại hóa thủy lợi ĐBSCL và Đề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển. Cả ba đề án này đã được Thủ tướng phê duyệt. Ngoài ra, Thủ tướng cũng đã phê duyệt Chương trình xác định giống chủ lực, giống quốc gia cho vùng ĐBSCL và cả nước.
Trong những nhiệm vụ tổng thể mà Chính phủ giao, một số nhiệm vụ nổi bật ngành nông nghiệp triển khai được nhân dân, nhất là nông dân vùng ĐBSCL ghi nhận. Thứ nhất, đứng trước thách thức về hạn hán, xâm nhập mặn khủng khiếp như năm 2020, Bộ NN-PTNT đã cùng các tỉnh chỉ đạo thành công né vụ và chống hạn, ngăn mặn thành công ở vụ đông xuân 2019 - 2020. Câu chuyện này chúng ta nói nhiều rồi, nên tôi không nêu lại kết quả.
Từ kinh nghiệm đó, Bộ NN-PTNT đang cùng các địa phương nghiên cứu một quy trình sản xuất mới cho ĐBSCL, nhất là sắp xếp lại mùa vụ cho phù hợp, cái này có ý nghĩa lớn hơn.
Bên cạnh đó, hàng năm có khoảng 80.000 - 90.000ha cây ăn quả thường xuyên bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn. Chúng tôi tính toán mỗi ha cây ăn trái cần khoảng 800m3 nước. Bởi vậy, Bộ NN-PTNT cùng các địa phương đã khuyến cáo các nhà vườn chủ động đào tạo, kênh mương để tích nước không tập trung theo diện tích cây ăn trái.
Bởi vậy năm nay, cơ bản những vùng trọng điểm cây ăn trái như Chợ Lách (Bến Tre), hay một số vùng ở Tiền Giang…, bà con đã đào các ao tích nước không tập trung, nhờ đó không có diện tích bị ảnh hưởng do mặn. Từ những chuyện chỉ đạo này, chúng tôi đang quy trình hóa nó để tạo thành hướng dẫn chung và sau này địa phương, bà con cứ thế mà làm. Đó mới là điều quan trọng đối với sản xuất ở ĐBSCL.
Vấn đề thứ hai, trước đây các công trình thủy lợi thường chỉ phục vụ mục tiêu ngăn mặn, giữ ngọt để sản xuất lúa, còn các công trình thủy lợi hiện nay chúng ta không ngăn mặn, giữ ngọt mà làm theo hướng điều tiết mặn, ngọt. Lúc nào cần mặn thì có nước mặn, lúc nào cần ngọt thì có nước ngọt.
Trong 5 năm 2016 - 2020, tổng vốn đầu tư các dự án phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn vùng ĐBSCL thông qua Bộ NN-PTNT là 28.600 tỷ đồng, bằng 29% vốn đầu tư công trung hạn của Bộ NN-PTNT để làm các công trình và hạ tầng nông nghiệp. Qua đó giải quyết cơ bản một số câu chuyện bức xúc ở vùng đất này.
Trong quá trình triển khai, chúng tôi liên tục động viên, đốc thúc các chủ đầu tư, nhà thầu thi công, qua đó nhiều công trình được đẩy nhanh tiến độ hoàn thành trước kế hoạch từ 6 - 14 tháng. Ví dụ như cống Cái Lớn - Cái Bé, là công trình tiêu biểu cho hạ tầng nông nghiệp của ĐBSCL ở giai đoạn hiện nay, lúc ký hợp đồng thì xác định thời gian thực hiện là 36 tháng. Nhưng khi đàm phán cụ thể, tôi đề nghị là rút xuống 24 tháng thôi. Các đơn vị nói 24 tháng không thể nào làm được, đề nghị là 26 tháng, tôi đồng ý. Nhưng khi bắt đầu thi công, chúng tôi lại đề nghị nhà thầu thi công tăng ca, làm ngày làm đêm. Và, kết quả là công trình Cái Bé hoàn thành chỉ trong 14 tháng. Còn công trình Cái Lớn sẽ đưa vào vận hành vào tháng 5 năm nay, như vậy cũng chỉ 20 tháng là đã xong toàn bộ công trình và kịp đưa vào vận hành điều tiết hạn, mặn năm 2021.
Đối với cống Ninh Quới, chúng ta cũng thi công vượt tiến độ 14 tháng để đưa vào cao điểm hạn, mặn năm 2020. Điều rất đáng mừng là, trước khi đầu tư các công trình này có rất nhiều ý kiến khác nhau, nhưng sau khi đưa vào vận hành, các địa phương và bà con nhìn thấy rất rõ hiệu quả của các dự án đầu tư.
Quan trọng nhất là khi chúng ta đã đầu tư có hiệu quả rồi thì phải xây dựng quy trình vận hành điều tiết nước làm sao phù hợp với nhu cầu sử dụng nước nước mặn, nước lợ, nước ngọt phục vụ sản xuất, dân sinh và đảm bảo môi trường.
Ngay trong lúc chúng ta đang nói chuyện ở căn phòng này, ĐBSCL đang đón một đợt hạn mặn cao điểm trong năm 2021. Nghị quyết 120 xác định rõ phải coi tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi, là cơ sở để hoạch định chiến lược, chính sách, quy hoạch phát triển ĐBSCL. Vậy ông có thể phân tích kỹ hơn nội dung trên?
Thời điểm này, ĐBSCL đang chịu đợt hạn, mặn thứ ba. Đợt này, xâm nhập mặn chưa khốc liệt bằng năm 2020, nhưng nó sẽ tương đương mức năm 2015 và thời điểm cực đoan có thể cao hơn mức 2015. Với khu vực ĐBSCL, chúng ta phải xác định với nhau câu chuyện cứ đến thời điểm này là mặn và càng ngày càng dịch chuyển theo xu thế bất lợi. Do đó, chúng ta phải quy trình hóa quá trình hóa các hoạt động sản xuất, không phải vụ nào ngành chức năng cũng phải chỉ đạo né mặn cho lúa, không phải vụ nào cũng chỉ đạo tích nước ngọt không tập trung cho cây ăn trái.
Vì chủ động là thắng lợi, bị động là thất bại. Chúng ta cần nhận diện đúng để chủ động. Bà con cũng đã có kinh nghiệm, các cơ quan quản lý từ Bộ NN-PTNT đến các địa phương đã có kinh nghiện rồi. Thế nên, mặc dù hạn, mặn năm 2021, chúng ta vẫn chắc chắn có vụ đông xuân thành công.
Nghị quyết 120 có nhiều quan điểm, nhưng có một quan điểm rất quan trọng là trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL đều phải lấy tài nguyên nước là cốt lõi để quy hoạch các ngành sản xuất; lấy nước làm cốt lõi để bố trí dân cư, bố trí đô thị; lấy nước làm cốt lõi để tính toán chiến lược cho từng địa phương, từng vùng và cũng là tính toán quản trị các lưu vực.
Đối với ĐBSCL, nước không chỉ là giá trị cốt lõi mà nước còn là điều kiện cốt lõi để cho các ngành khác. Tôi cho rằng đây là quan điểm rất đúng. Việc ĐBSCL được chia làm ba vùng: vùng thượng là vùng nước ngọt, vùng trung tâm là nước lợ và mặn lợ luân phiên; vùng biển là vùng mặn cũng là cách chia theo nguồn nước.
Cả ba loại nước đều là tài nguyên nói chung, chứ không phải nước ngọt là cốt lõi, cái này rất quan trọng. Rõ ràng, có những chỗ chúng ta không thể đủ nguồn lực đầu tư để ngọt hóa mà buộc phải chuyển đổi sản xuất cho phù hợp.
Nhưng nói gì thì nói, nơi nào cũng cần nước ngọt cho sinh hoạt, công nghiệp và kể cả vùng mặn cũng cần phải có nước ngọt để pha loãng. Tôm thì sống tốt nhất ở độ mặn dưới 25‰, nếu độ mặn lên nữa là tôm không phát triển. Chính vì thế, vẫn phải có chương trình riêng cho nước ngọt.
Những năm qua, ĐBSCL có sự chuyển mình khá nhanh chóng. Nhưng đồng bằng trù phú này vẫn luôn thường trực những sự bất ổn. Bằng chứng là trong một thập niên trở lại đây, hơn 1,1 triệu người đã phải rời bỏ ĐBSCL, dịch chuyển về các tỉnh miền Đông Nam bộ lập nghiệp. Vậy làm sao để giữ chân người dân ở lại vùng đất này?
Trụ cột trong phát triển của mỗi quốc gia là khác nhau. Đối với Việt Nam, trong tất cả các Nghị quyết của Đảng, trong tất cả các chủ trương, chính sách mà nếu có nói đến các yếu tố đột phá, thì bao giờ con người cũng được nhắc đến đầu tiên.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, yếu tố con người càng quan trọng hơn, vì chúng ta muốn chuyển sang một nền nông nghiệp thông minh thì phải có người nông dân thông minh. Chúng ta muốn đưa công nghệ cao vào sản xuất thì cũng phải có người để làm. Chúng ta muốn ứng dụng kinh tế số trong nông nghiệp, thì phải có những người trẻ.
Ở Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng có một xu thế rất hay, là người trẻ về nông thôn. Cái này là có, họ về quê lập trang trại, kinh doanh, buôn bán, lập HTX, nhưng số lượng không nhiều. Còn xu thế dịch chuyển lao động trẻ từ nông thôn ra thành thị lại rõ nét hơn. Không chỉ ĐBSCL mà Đồng bằng sông Hồng, cơ bản thanh niên cũng không làm việc ở nông thôn. Chỉ có điều, các tỉnh đều có khu công nghiệp lớn hoặc ít nhất là các nhà máy ở gần nhà. Người lao động sáng đi vào nhà máy, tối về nhà.
Còn các địa phương ở ĐBSCL chưa thu hút được nhiều các khu chế xuất, các nhà máy. Lao động trẻ buộc phải đi Đồng Nai, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh,… ở khoảng cách khá xa nên không có khái niệm sáng đi chiều về, chúng tôi tạm gọi đó là sự di cư tạm thời.
Cái này đúng hay sai? Tôi cho rằng điều đó là đúng. Chúng ta thu hút đầu tư, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào các vùng kinh tế trọng điểm và chúng ta đã thành công. Vậy doanh nghiệp đầu tư ở đâu, chắc chắn không phải ở vùng nông thôn.
Nó đặt ra câu chuyện chung cho ngành nông nghiệp, muốn tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhanh thì vai trò của người trẻ rất quan trọng. Nếu thanh niên cứ đi vào nhà máy thì đó là nguy cơ. Để lao động không di cư, một là phải nâng cao giá trị gia tăng trên đơn vị diện tích sản xuất nông nghiệp, làm thế nào để người nông dân ít nhất có thu nhập tương xứng với công nhân ở Đồng Nai, Bình Dương. Ví dụ, làm công nhân được 10 triệu đồng/tháng thì ở nhà làm nông ít nhất phải có 6 - 7 triệu đồng.
Vậy có làm được không? Với cách thức sản xuất ở ĐBSCL, với định hướng xoay trục cơ cấu sản phẩm chủ lực trong nông nghiệp như thời gian vừa qua, với giá trị sản xuất như hiện nay thì chắc chắn ĐBSCL sẽ đạt mức thu nhập bình quân 5-7 triệu đồng/người/tháng từ nông nghiệp.
Nhưng đó chưa phải là vấn đề lớn, vì cuộc sống không phải chỉ cần thu nhập. Các bạn thanh niên thường có những nhu cầu khác như: nhu cầu giao tiếp xã hội, nhu cầu tìm hiểu, khám phá và nhu cầu tiếp cận cuộc sống hiện đại hơn. Tất cả quốc gia đều như vậy, ở Nhật Bản thanh niên cũng chỉ thích về đô thị, có những làng quê không còn thanh niên.
Bởi vậy, trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở ĐBSCL, cần quy hoạch hết sức đồng bộ các khu dân cư tập trung, sau đó đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở văn hóa, các tụ điểm đông người hơn. Vì người dân đang sống rất rải rác, rất ít tụ điểm tập trung dân cư như Đồng bằng sông Hồng. Đó là câu chuyện rất lớn mà chúng ta cần tính toán để giữ chân người trẻ ở ĐBSCL.
Vấn đề thứ ba, từ bài học ở Đồng bằng sông Hồng, thì rõ ràng các tỉnh ĐBSCL phải liên kết với nhau, nhưng liên kết phải tính toán các tiểu vùng nhỏ, để mỗi tiểu vùng nhỏ có các nhà máy, khu chế xuất, khu công nghiệp và đặc biệt là có nhà máy để chế biến nông sản, từ đó thu hút lao động tại chỗ, sáng đi chiều về. Họ vừa có thể giúp gia đình làm nông, giúp người thân ứng dụng khoa học công nghệ.
Ông đánh giá như thế nào về vai trò của doanh nghiệp với sự phát triển của ĐBSCL, tại sao chưa nhiều những “sếu đầu đàn” đầu tư vào mảnh đất đầy tiềm năng này?
Vừa rồi, chúng ta mới chỉ nói điểm nghẽn về nông nghiệp thôi. Tôi công tác ở Bộ NN-PTNT, nhưng vì câu hỏi này liên quan đến phạm vi rộng hơn. Điểm nghẽn lớn nhất ở ĐBSCL hiện nay là giao thông: “Giao thông… giao thông, và… giao thông...”
Chuyện doanh nghiệp đầu tư tại ĐBSCL chưa nhiều cũng là vì hạ tầng giao thông kém phát triển. Chúng ta rất khó tạo ra giá trị gia tăng nhiều khi phải trả một chi phí cao cho logistics. Trước đây lợi thế của ĐBSCL là giao thông đường thủy, chi phí vận tải thấp hơn nhiều so với đường bộ. Nhưng hiện nay giao thông đường thủy không phát triển, chủ yếu là ghe tàu nhỏ, còn tàu lớn tải container không vào nổi, dẫn đến lợi thế của ĐBSCL dần dần mất đi.
Bởi vậy, với cách làm nào đó, tư duy nào đó, ngành giao thông chắc chắn phải tính toán chuyện này, vì lợi thế của ĐBSCL là giao thông thủy. Còn nếu chỉ đầu tư đường bộ thì rất tốn kém vì kênh rạch chằng chịt, nền đất yếu, xuất đầu tư lớn gần gấp đôi so với các vùng khác.
Hiện nay chúng ta đã phê duyệt đầu tư tuyến cao tốc đến Cần Thơ và cao tốc từ Cần Thơ đi Cà Mau, và sắp tới sẽ có thêm một loạt các dự án đầu tư về hạ tầng giao thông ĐBSCL nữa. Chắc chắn là giao thông sẽ khá lên.
Về ý kiến cá nhân, nếu tôi là doanh nghiệp, khi đầu tư thì tôi phải tính cái khác biệt. Tại TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, các khu công nghiệp, khu chế xuất chưa lấp đầy, trong khi một loạt các khu công nghiệp đang tiếp tục được hình thành với rất nhiều tiện ích cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Bởi vậy, các địa phương ở ĐBSCL buộc phải tính toán xem cái gì là khác biệt để kêu gọi doanh nghiệp. Và với ngành nông nghiệp, tôi rất muốn có những con “sếu đầu đàn” lớn vào đầu tư ở ĐBSCL cho sản xuất nông nghiệp, chuỗi giá trị nông nghiệp, chế biến nông sản.
Thứ hai, chắc chắn ĐBSCL có lợi thế để phát triển năng lượng điện mặt trời, điện gió và điện khí hóa lỏng ở vùng ven biển, đây là yếu tố có thể thu hút doanh nghiệp đầu tư.
Ông từng nói, đối với ĐBSCL phải đầu tư theo tinh thần “không hối tiếc”. Và trong giai đoạn 2021 - 2025, chúng ta cần khoảng 30.000 tỷ đồng để kiểm soát toàn bộ hạn, mặn ở ĐBSCL. Vậy nếu như có 30.000 tỷ đồng như ông nói, chúng ta sẽ ưu tiên cho những vấn đề gì?
Hiện nay chúng tôi đang cùng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các địa phương để tính toán các công trình dự án lớn mà Trung ương sẽ đầu tư vào vùng ĐBSCL.
Chúng ta phải dùng từ đầu tư “không hối tiếc”, vì các vùng khác cứ có tiền là làm được ngay. Nhưng đối với vùng ĐBSCL, có tiền chưa chắc đã làm được ngay, bởi vì phải tính toán rất kỹ, nếu không sau này sẽ không phù hợp, vì tiến trình biến đổi khí hậu ở khu vực này nhanh hơn những gì chúng ta đang dự đoán.
Thứ hai là phải từng bước thay đổi quan điểm sản xuất của bà con. Bây giờ ở những vùng mặn ven biển vẫn còn nhiều diện tích lúa. Hiện diện tích lúa của Cà Mau còn cả hàng trăm nghìn héc ta, Bến Tre cũng vậy. Rõ ràng ở đây là phải lựa chọn các dự án đầu tư theo tinh thần “không hối tiếc”, bởi vì đã đầu tư là phải tính đến lâu dài. Dứt khoát phải như vậy!
Trong đầu tư hạ tầng ở ĐBSCL hiện nay cũng có rất nhiều câu chuyện cần bàn, nhưng chúng tôi sẽ có sắp xếp thứ tự ưu tiên. Trước hết là chúng ta phải làm thế nào giải quyết được một số vùng cực hạn, vùng cực mặn ở ĐBSCL. Ví dụ, đối với bán đảo Cà Mau thì sẽ ưu tiên cho vùng Bắc Cà Mau. Chúng tôi đã tính toán và có sẽ có dự án để chuyển nước ngọt cho Bắc Cà Mau trong 5 năm tới.
Thứ hai là khu vực phía nam Quốc lộ 1A ở Bạc Liêu, Thủ tướng đã xác định đây là vùng trọng điểm về nuôi tôm của cả nước, và nguồn lực đầu tư sẽ được ưu tiên để làm sao tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển nuôi tôm ở vùng này.
Thứ ba, cần nạo vét một số trục dẫn nước lớn, ví dụ như kênh Vĩnh Tế… để vừa trữ nước ngọt nhiều hơn; vừa dẫn nước tốt hơn cho những vùng cực hạn và thứ ba là phục vụ thoát lũ nhanh. Phải làm như vậy để giải quyết cơ bản những vùng khan hiếm nước và giải quyết cơ bản tình trạng ngập úng lâu ngày.
Có rất nhiều công trình, nhưng Bộ chỉ tập trung vào việc giải quyết các công trình có tính chất liên tỉnh, liên vùng, là động lực phát triển ĐBSCL. Còn lại các địa phương phải có nguồn lực để đầu tư, làm sao để đến hết năm 2025, chúng ta sẽ giải quyết được vấn đề nổi cộm tại các vùng trọng điểm. Còn sau đó, đến trung hạn 2025 - 2030 chúng ta tiếp tục tính toán tiếp.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: nongnghiep.vn
|