Trong năm 2020, các công trình thủy lợi đã phục vụ tưới cho trên 7,1 triệu ha lúa .
(Ảnh minh họa: ML)
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong năm 2020, ngành Thủy lợi đã triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ được giao và đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong đó, ngành đã chỉ đạo công tác vận hành hệ thống công trình thủy lợi, phục vụ tưới cho trên 7,1 triệu ha diện tích lúa. Cụ thể, phối hợp chặt chẽ với với Tập đoàn Điện lực Việt Nam điều hành các đợt điều tiết nước từ các hồ chứa thủy điện phục vụ gieo cấy lúa Đông Xuân năm 2019-2020, khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ với tổng lượng nước điều tiết xả 3 đợt đạt 2,68 tỷ m3 nước, đảm bảo cấp nước cho 531.200 ha lúa. Ngoài ra, tổ chức cuộc họp thống nhất kế hoạch điều tiết nước các hồ chứa thủy điện phục vụ gieo cấy lúa vụ Đông Xuân 2020-2021, khu vực Trung du, Đồng bằng Bắc Bộ.
Đặc biệt, đối với vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, ngành Thủy lợi đã dự báo sớm, khá chính xác thời gian xuất hiện, mức độ, phạm vi xâm nhập mặn ở khu vực này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương tổ chức xuống giống vụ Đông - Xuân năm 2019-2020 sớm hơn so với thời vụ các năm trước từ 10 đến 20 ngày để bảo đảm né thời điểm xâm nhập mặn lên cao. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đầu tư xây dựng do Bộ quản lý, vượt kế hoạch từ 6-13 tháng, 5 dự án được kịp đưa vào vận hành phòng, chống xâm nhập mặn từ tháng 12/2019.
Đi cùng với giải pháp trên, trong tháng 1/2020, ngành đã chủ động trực tiếp kiểm soát xâm nhập mặn khoảng 83.000 ha và hỗ trợ kiểm soát ảnh hưởng xâm nhập mặn cho 300.000 ha. Từ những nỗ lực này, mặc dù xâm nhập mặn ở Đồng bằng Sông Cửu Long ở mức nghiêm trọng hơn mùa khô năm 2015-2016, nhưng tổng thiệt hại đối với lúa là 58.400 ha, thấp hơn rất nhiều so với thiệt hại năm 2015-2016. Bên cạnh đó, số hộ thiếu nước sinh hoạt ở thời điểm cao nhất (tháng 3/2020) tổng cộng khoảng 96.000 hộ (430.000 dân), giảm khoảng 114.000 hộ (tương đương 54%) so với năm 2015-2016 (210.000 hộ).
Triển khai công tác phát triển thủy lợi cơ sở gắn với xây dựng nông thôn mới, ngành đã lồng ghép nội dung phát triển thủy lợi vào đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Mặt khác, theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn địa phương tổ chức thực hiện Nghị định 77/2018/NĐ-CP về hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước. Đến nay, có 22/63 tỉnh đã ban hành Nghị quyết và tổ chức thực hiện.
Đi cùng với đó, ngành Thủy lợi triển khai chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các địa phương về củng cố, hoàn thiện hệ thống thủy lợi nội đồng để đảm bảo hoàn thành, đạt tiêu chí thủy lợi trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020. Tính đến nay, cả nước đã có 91% số xã và 47% số huyện đạt tiêu chí thủy lợi.
Đặc biệt, trong mùa mưa bão năm 2020, ngành Thủy lợi trực tiếp phối hợp các nhà khoa học đi kiểm tra, tính toán các kịch bản, điều hành hợp lý, linh hoạt, chủ động tích nước, giảm thiểu ngập lũ cho khu vực hạ du và đảm bảo an toàn công trình cho các hồ chứa quan trọng đặc biệt như: Cửa Đạt, Tả Trạch, Dầu Tiếng, Ngàn Trươi. Đồng thời, cử đoàn công tác trực tiếp vào hiện trường hỗ trợ các địa phương trong công tác vận hành bảo đảm an toàn công trình và giảm lũ cho vùng hạ du. Trong đó, từ ngày 6/10 đến 3/11/2020, hồ Tả Trạch đã giữ lại được 435 triệu/1.094 triệu m3 (40%), giảm ngập lụt cho thành phố Huế và vùng đồng bằng 0,85m; hồ Kẻ Gỗ đã giữ lại được 210/296 triệu m3 (71%), hồ Ngàn Trươi đã giữ lại được 300/340 triệu m3 (88%), góp phần giảm ngập úng cho vùng hạ du.
Bộ NN&PTNT cho biết, trong năm 2021, ngành Thủy lợi sẽ tiếp tục triển khai các văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn thi hành Luật Thủy lợi; trình Chính phủ cho triển khai xây dựng Nghị định Quản lý, khai thác và bảo vệ công trình cấp nước nông thôn. Đồng thời, chỉ đạo, điều hành, vận hành khai thác công trình thủy lợi đảm bảo an toàn hồ chứa, cấp nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và các ngành kinh tế khác.
Đặc biệt, trong năm 2021, ngành sẽ tham mưu triển khai các dự án đầu tư, giai đoạn 2021-2025 cho các vùng khó khăn về nguồn nước, vùng bị ảnh hưởng xâm nhập mặn tại các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long (Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang) và các tỉnh miền núi (Cao Bằng, Hà Giang, Điện Biên);
Bên cạnh đó, ngành Thủy lợi sẽ tập trung nguồn lực để triển khai các dự án trọng điểm cấp bách phục vụ công tác chỉ đạo phòng chống úng, ngập đảm bảo an toàn công trình, hồ đập. Triển khai dự án mở mới về về sửa chữa và nâng cao an toàn đập, hồ chứa thủy lợi kết hợp tưới thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2025 và Chương trình nước sạch và vệ sinh nông thôn dựa trên kết quả tại 14 tỉnh miền Trung và Đông Nam bộ do World Bank tài trợ.
Đi cùng với các nhiệm vụ trên, ngành Thủy lợi cho biết sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật chuyên ngành, thực hiện quy định về đầu tư xây dựng các công trình thuỷ lợi do địa phương quản lý, tránh lãng phí; kiểm tra công tác quản lý chống vi phạm pháp luật về lĩnh vực thủy lợi. Đồng thời, từng bước hoàn thiện hệ thống tổ chức quản lý ngành và tăng cường công tác đào tạo, nâng cao năng lực cho lực lượng quản lý, khai thác công trình thủy lợi, nước sạch nông thôn từ Trung ương đến địa phương./.
Nguồn: dangcongsan.vn