Trang chủWB5Tin tức

Họp ứng phó với bão số 7 và mưa lũ

Ngày 08/10, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai họp trực tuyến với các Bộ, ngành và 9 tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình chỉ đạo ứng phó với bão số 7.


Toàn cảnh cuộc họp

Tại cuộc họp, ông Hoàng Phúc Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, dự kiến chiều tối đến đêm 09/10, bão số 7 đi vào Vịnh Bắc Bộ. Bão số 7 gây gió mạnh cấp 6, giật cấp 8, từ chiều 9/10, tăng lên cấp 7-8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9, giật cấp 11. Các huyện đảo và các đảo ven bờ thuộc Vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9. Nước dâng do bão số 7 kết hợp với mực nước triều ở mức cao có khả năng gây ngập úng tại một số vùng trũng, thấp và làm chậm việc thoát lũ trên sông. Do ảnh hưởng của bão, từ ngày 9-12/10, ở Bắc Bộ và phía Bắc của Trung Bộ có khả năng xảy ra mưa to đến rất to, cảnh báo lũ, ngập lụt cục bộ tại khu vực thấp trũng; sạt lở đất, lũ quét tại khu vực miền núi.

Theo Đại tá Nguyễn Đình Hưng, Trưởng phòng cứu hộ, cứu nạn, Bộ Tư lệnh Biên phòng, tính đến 14h00 ngày 8/10, lực lượng chức năng đã kiểm đếm, hướng dẫn 59.106 tàu/263.051 người biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh (trong đó, hoạt động ở khu vực ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình 4.470 tàu/15.046 lao động, neo đậu tại bến 54.636 tàu/248.005 lao động). 

Theo báo cáo của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, các khu dân cư ven biển, khu vực trũng thấp, cửa sông, ngoài bãi các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình đã sẵn sàng phương án sơ tán dân trong tình huống dịch COVID-19, dự kiến phương án sẵn sàng sơ tán 70.440 hộ/260.722 người dân khu vực ven biển; đã rà soát các đối tượng trong diện F0, F1 để có phương án cách ly, sơ tán riêng cũng như biện pháp y tế phù hợp để an toàn dịch bệnh (hiện có 4.619 đối tượng F0, F1/4 tỉnh).

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài biểu dương, đánh giá cao các Bộ, ngành và các địa phương trong công tác chuẩn bị, chủ động triển khai công tác ứng phó trên cả 3 tuyến biển, đồng bằng và khu vực miền núi. Đồng thời yêu cầu các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ thực hiện tốt công tác ứng phó với bão số 7.

Ông Trần Quang Hoài nhấn mạnh, đối với tuyến biển cần chủ động, không chủ quan, phải rà soát lại các tàu thuyền để đảm bảo an toàn khi bão đổ bộ, lưu ý tại các khu tránh trú, neo đậu tàu thuyền, không để người dân ở lại trên các tàu thuyền, lồng bè, chòi canh,…đồng thời đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh COVID-19. Kiểm tra, rà soát hệ thống đê kè biển đặc biệt tuyến đê biển xung yếu, gia cố các lồng bè, nuôi trồng thủy hải sản.

Đối với khu vực đồng bằng, chủ động tiêu úng, bảo vệ sản xuất. Đối với khu vực vùng núi có phương án sẵn sàng triển khai lực lượng đặc biệt lực lượng xung kích phòng chống thiên tai kiểm soát, hướng dẫn giao thông nhất là các khu vực ngầm tràn, khu vực có nguy cơ ngập sâu; bố trí sẵn sàng lực lượng, phương tiện tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đảm bảo an toàn giao thông. Rà soát việc chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm trong trường hợp bị mưa lũ chia cắt. Đồng thời dừng tất các công trình thi công tại khu vực miền núi có khả năng bị ảnh hưởng bởi bão. Kiểm tra, rà soát, tại các khu vực khai thác khoáng sản, hầm lò.

Phó Trưởng ban Trần Quang Hoài đề nghị các địa phương căn cứ vào tình hình thực tế chủ động cấm biển; phải kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất vùng thấp, trũng ven biển, sẵn sàng triển khai phương án di dời dân cư sát thực tế, đảm bảo an toàn về người, tài sản, đồng thời đảm bảo phòng chống dịch bệnh; kiểm tra, rà soát, chủ động triển khai phương án đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, hồ chứa. 

HNN (tổng hợp)

 

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác