Chiều nay (12/10/2018), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường và ông Aladdin D. Rillo, Phó Tổng thư ký ASEAN, Phụ trách Cộng đồng kinh tế ASEAN đã đồng chủ trì họp báo kết thúc 5 ngày Hội nghị Hội nghị Bộ trưởng Nông Lâm nghiệp ASEAN (AMAF) lần thứ 40; Hội nghị Bộ trưởng Nông Lâm nghiệp ASEAN+3 (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc), lần thứ 18 và Hội nghị Bộ trưởng ASEAN - Trung Quốc về Giám sát chất lượng, kiểm tra và kiểm dịch (SPS)
THÔNG TIN BÁO CHÍ
Hội nghị Bộ trưởng Nông Lâm nghiệp ASEAN (AMAF) lần thứ 40
Hội nghị Bộ trưởng Nông Lâm nghiệp ASEAN+3 (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc), lần thứ 18;
Hội nghị Bộ trưởng ASEAN - Trung Quốc về Giám sát chất lượng, kiểm tra và kiểm dịch (SPS)
Trong 5 ngày làm việc (từ 08-12/10/2018), tại Hà Nội, Việt Nam đã tổ chức thành công 03 Hội nghị quan trọng cấp Bộ trưởng về hợp tác ASEAN trong lĩnh vực nông lâm nghiệp, đó là: Hội nghị Bộ trưởng Nông Lâm nghiệp ASEAN (AMAF), lần thứ 40; Hội nghị Bộ trưởng Nông Lâm nghiệp ASEAN+3 (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc), lần thứ 18; Hội nghị Bộ trưởng ASEAN - Trung Quốc về hợp tác an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS) lần thứ 6 với sự tham dự của khoảng250 đại biểu tham dự, trong đó có 7 Bộ trưởng, 7 Thứ trưởng và tương đương; và Phó Tổng thư ký ASEAN.
Tại kỳ họp này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Việt Nam được bầu là Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng Nông Lâm nghiệp ASEAN và sẽ giữ vai trò Chủ tịch nhiệm kỳ AMAF, AMAF+3 từ tháng 10/2018 đến tháng 10/2019.
Dưới sự chủ trì và điều hành của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, các Bộ trưởng và đại biểu đã bàn bạc, thảo luận để xem xét và thông qua 23 tài liệu kỹ thuật trong lĩnh vực nông lâm thủy sản và nhất trí ký kết 03 văn kiện hợp tác.
- Hội nghị Bộ trưởng Nông Lâm nghiệp ASEAN lần thứ 40 (diễn ra ngày 11/10), các Bộ trưởng Nông Lâm nghiệp đã thông qua Khung đa ngành về biến đổi khí hậu: Nông - Lâm nghiệp hướng tới an ninh lương thực, dinh dưỡng và thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) thông qua sử dụng bền vững và hiệu quả tài nguyên đất đai, rừng, nguồn nước và thủy sản.
Hội nghị thông qua năm (5) tài liệu hướng dẫn quan trọng nhằm đảm bảo an toàn và chất lượng nông sản, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi thương mại nông lâm sản trong ASEAN.
Hội nghị đã thông qua các hướng dẫn của ASEAN về thúc đẩy đầu tư có trách nhiệm trong thực phẩm, nông nghiệp và lâm nghiệp để tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực này trong khu vực ASEAN cũng như việc sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên.
Hội nghị đã thông qua phương pháp tiếp cận của AMAF trong việc lồng ghép giới trong lĩnh vực thực phẩm, nông nghiệp và lâm nghiệp để hỗ trợ các nước thành viên ASEAN nhằm thúc đẩy và ủng hộ bình đẳng giới trong các chính sách, chương trình và hệ thống thực phẩm nông nghiệp ở cấp khu vực và quốc gia.
Hội nghị cũng đã thông qua lộ trình ASEAN nhằm tăng cường vai trò của các hợp tác xã nông nghiệp trong chuỗi giá trị nông nghiệp toàn cầu 2018-2025,
đây là khuôn khổ để hài hòa hóa cơ cấu pháp lý và thể chế của hợp tác xã nông nghiệp giữa các nước thành viên ASEAN.
Về lĩnh vực Lâm nghiệp
Hội nghị đã thông qua tài liệu Hướng dẫn Phát triển Nông lâm ASEAN nhằm thúc đẩy vai trò của ngành nông lâm nghiệp, đồng thời đạt được các kết quả kinh tế, môi trường và xã hội ở cấp nông trại, hộ gia đình và cảnh quan, giúp các nước thành viên ASEAN đạt được các mục tiêu liên quan đến an ninh lương thực, tăng trưởng bền vững, giảm phát thải khí nhà kính, khôi phục đất đai, bảo vệ rừng đầu nguồn, bình đẳng giới, lâm nghiệp quy mô xã hội/ cộng đồng, thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu, nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Nhân dịp này Hội nghị cũng đã thông qua Sổ tay hướng dẫn Đánh giá Thực thi Luật Lâm nghiệp và Quản trị rừng (FLEG) ở các nước thành viên ASEAN.
Về lĩnh vực thuỷ sản
Hội nghị nhất trí thành lập Nhóm công tác chuyên gia ASEAN về thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (EWG – ASEAN GAqP). Thông qua Quy định chính sách thiết lập Hệ thống nhãn mác sinh thái khu vực ASEAN để đảm bảo sử dụng hợp lý nguồn cá ngừ và đảm bảo thực thi các quy định xã hội có trách nhiệm.
Về Hợp tác với Đối tác Đối thoại và Tổ chức quốc tế
Hội nghị hài lòng về kết quả hợp tác Đối tác Đối thoại của ASEAN, đặc biệt là Úc, Trung Quốc, Đức, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Nga. Đồng thời đánh giá cao sự hỗ trợ quý báu của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI), Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC), Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) và Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) về việc thực hiện Kế hoạch chiến lược hợp tác ASEAN về lương thực, nông lâm nghiệp giai đoạn 2016-2025.
- Hội nghị Bộ trưởng Nông Lâm nghiệp ASEAN+3 (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc), (diễn ra ngày 12/10) các Bộ trưởng đánh giá cao tiến độ thực hiện Chiến lược hợp tác ASEAN+3 (APTCS) giai đoạn 2016-2025, thể hiện tinh thần hợp tác của ASEAN+3 và một số hoạt động quan trọng nhằm tăng cường an ninh lương thực; quản lý rừng bền vững; giảm thiểu tác động và thích ứng với biến đổi khí hậu; sức khỏe động thực vật và kiểm soát dịch bệnh; nâng cao năng lực xây dựng và phát triển nguồn nhân lực; tăng cường hệ thống thông tin, kiến thức mạng và trao đổi nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng tiếp thị các sản phẩm nông nghiệp; đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển.
Các Bộ trưởng cũng đánh giá cao sự tiến bộ trong việc thực hiện Thỏa thuận dự trữ gạo khẩn cấp ASEAN+3 (APTERR) và tái khẳng định cam kết tiếp tục hỗ trợ việc thực hiện Thỏa thuận APTERR. Đồng thời, ghi nhận tiến độ của Hệ thống thông tin an ninh lương thực ASEAN+3 (AFSIS), đặc biệt là công tác phát triển thông tin an ninh lương thực trong khu vực và cải thiện số liệu thống kê về chế biến và phân phối thực phẩm nông nghiệp ở ASEAN.
Các Bộ trưởng Nông Lâm ASEAN đánh giá cao Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã ủng hộ và cam kết trong việc tăng cường Hợp tác ASEAN+3 liên quan tới lĩnh vực Thực phẩm, Nông nghiệp và Lâm nghiệp.
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được trong tiến trình hợp tác nói trên, Hội nghị lần này trao đổi và thống nhất ký kết 3 văn kiện quan trọng đó là:
- Nghị định thư sửa đổi Thoả thuận Quỹ Dự trữ lúa gạo khẩn cấp ASEAN+3.
- Biên bản Ghi nhớ (MOU) giữa ASEAN và Trung Quốc về hợp tác nông nghiệp và thực phẩm.
- Biên bản Ghi nhớ giữa ASEAN và FAO về Tăng cường hợp tác trong nông nghiệp và lâm nghiệp.
- Hội nghị Bộ trưởng ASEAN - Trung Quốc về Giám sát chất lượng, kiểm tra và kiểm dịch (SPS) lần thứ 6 (diễn ra ngày 12/10) dưới sự đồng chủ trì của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Thứ trưởng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Hội nghị nhắc lại thỏa thuận đạt được trong Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 20 để tiếp tục tăng cường trao đổi cấp cao và các đối thoại liên quan tới ba trụ cột hợp tác để củng cố hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Trung Quốc và thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau.
Các Bộ trưởng ghi nhận hiệu lực của Nghị định thư sửa đổi Hiệp định Khung Hợp tác kinh tế toàn diện và các Hiệp định liên quan giữa ASEAN và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Nghị định thư nâng cấp Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc). Hội nghị tái khẳng định cam kết tăng cường hợp tác trong khuôn khổ Biên bản ghi nhớ ASEAN-Trung Quốc về Tăng cường Hợp tác An toàn thực phẩm, Kiểm dịch động thực vật và giao cho các cán bộ đầu mối tiến hành các thủ tục để xây dựng và ký mới Biên bản ghi nhớ vào năm 2021.
Hội nghị đánh giá cao về nỗ lực của các đầu mối SPS và các nhóm công tác kỹ thuật trong việc đạt được các tiến độ đáng chú ý nhằm thực hiện Kế hoạch hành động giai đoạn 2017-2018, đồng thời ủng hộ việc xây dựng website về hợp tác SPS ASEAN – Trung Quốc. Hội nghị đã thông qua Kế hoạch hành động cho giai đoạn 2019 – 2020.
Sau 5 ngày làm việc, với sự tham gia tích cực của tất cả thành viên các Đoàn trên tinh thần hợp tác, xây dựng; sự chuẩn bị chu đáo của nước chủ nhà và Ban Thư ký ASEAN, Hội nghị Bộ trưởng Nông Lâm nghiệp ASEAN, Hội nghị ASEAN+3 và Hội nghị Bộ trưởng ASEAN – Trung Quốc về Giám sát chất lượng, kiểm tra và kiểm dịch (SPS) đã hoàn thành toàn bộ chương trình nghị sự và thành công tốt đẹp.
Nguồn :https://www.mard.gov.vn