Lũ chớp nhoáng (flash flood), thường được biết đến với tên gọi “lũ quét”, là một loại hình thiên tai liên quan tới nước không còn xa lạ với người dân Việt Nam. Đặc thù của loại hình lũ này là hình thành trong thời gian rất ngắn, diễn ra với cường độ mạnh và đặc biệt là khó dự đoán trước một cách chính xác. Vì vậy, mặc dù “chớp nhoáng” nhưng lũ quét thường có sức tàn phá lớn và để lại hậu quả vô cùng nặng nề.
Lũ quét gây sạt lở đất ở miền Trung (Nguồn: Baoquangnam.vn)
Cùng là một loại hình thiên tai liên quan tới nước như lũ chớp nhoáng, hạn chớp nhoáng (flash drought) được gọi tên tương tự như vậy bởi chúng có chung tính chất bất ngờ, nhanh chóng và gây ra hậu quả nghiêm trọng cho vùng bị ảnh hưởng. Hiện các nhà khoa học vẫn chưa thể thống nhất được một định nghĩa chính xác cho hạn chớp nhoáng nhưng nhìn chung, hạn chớp nhoáng có thể được mô tả là hiện tượng hạn hán xảy ra và gia tăng cường độ với tốc độ nhanh chóng, chỉ duy trì trong vòng vài tuần cho tới vài tháng. Trong khi đó, hạn hán thông thường sẽ diễn ra chậm rãi, có thể kéo dài vài năm, đôi khi tới hàng chục năm. Mặc dù không kéo dài nhưng hạn chớp nhoáng vẫn có thể gây tổn thất lớn về kinh tế bởi rất khó dự báo chúng sẽ xảy ra khi nào, hạn trong bao lâu, có cường độ và phạm vi hạn ra sao, khiến cho những địa phương chịu ảnh hưởng thường gặp nhiều khó khăn trong công tác chuẩn bị ứng phó kịp thời và đầy đủ.
Hạn chớp nhoáng – cỏ chưa kịp héo úa thì đất đã khô nứt nẻ (Nguồn: cnn.com)
Khoảng hơn mười năm trở lại đây, hạn chớp nhoáng bắt đầu được quan tâm nhiều hơn bởi các nhà nghiên cứu cũng như các nhà hoạch định chính sách khi mà tác động tiêu cực của loại hình thiên tai này ngày càng rõ rệt, đặc biệt đối với ngành nông nghiệp và công tác quản lý nước, phòng chống các thiên tai liên quan tới nước. Ban đầu, các nghiên cứu về hạn chớp nhoáng tập trung tìm hiểu các đặc tính và tác nhân gây hạn. Gần đây thì tâm điểm nghiên cứu chuyển sang làm rõ mức độ ảnh hưởng của hạn chớp nhoáng lên hoạt động sản xuất nông nghiệp, hệ sinh thái và bối cảnh kinh tế xã hội của những vùng có nguy cơ xuất hiện hạn hán, từ đó đưa ra các mô hình dự báo, cảnh báo chính xác hơn và khuyến cáo cách ứng phó hiệu quả hơn.
Quý bạn đọc quan tâm đến hạn chớp nhoáng và đặc trưng của chúng tại Việt Nam có thể tìm hiểu kỹ hơn từ bài báo được đăng trên tạp chí Khí tượng Thủy văn, tại liên kết sau đây: http://tapchikttv.vn/article/3603.
Tác giả, cùng với hai đồng tác giả, của bài báo là bà Hoàng Thị Minh, cán bộ dự án hiện công tác tại Ban Quản lý Trung ương các dự án Thủy lợi (CPO). Là ban quản lý cấp trung ương được giao nhiệm vụ xây dựng đề xuất, chuẩn bị và triển khai các dự án trong lĩnh vực quản lý nước sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) từ các tổ chức tín dụng quốc tế, Ban CPO luôn quan tâm cập nhật những thông tin mới nhất liên quan tới chuyên ngành của Ban. Kết hợp với sử dụng các nguồn thông tin bên ngoài, Ban còn tạo điều kiện cho cán bộ của Ban học tập, nghiên cứu những kiến thức mới để ứng dụng hiểu biết chuyên môn vào công tác, đảm bảo xây dựng và thực hiện được những dự án phù hợp với chính sách, chủ trương đầu tư của quốc gia và mang lại hiệu ích thiết thực cho người hưởng lợi.
T/g: Minh Nhật