Triển khai quyết liệt, đồng bộ, kịp thời các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2017 của từng khu vực và một số ngành quan trọng của nền kinh tế. Trong đó khu vực nông nghiệp phấn đấu tăng trưởng 3,05%, trong đó tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt trên 33 tỷ đô la. Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ giao ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phấn đấu triển khai trong các tháng cuối năm 2017 nêu tại Chỉ thị số 24/CT-TTg (ngày 02/6/2017) về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017.
Chỉ thị nêu: Chính phủ kiên định, nhất quán thực hiện mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước năm 2017 là khoảng 6,7%. Để thực hiện mục tiêu đề ra, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo, quán triệt nghiêm túc quan điểm của Chính phủ về thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017 là nhiệm vụ của tất cả các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước; triển khai quyết liệt, đồng bộ, kịp thời các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng.
Đối với khu vực nông nghiệp: Phấn đấu tăng trưởng 3,05%, trong đó tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt trên 33 tỷ đô la.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường
dự lễ khởi công Dự án nông nghiệp công nghệ cao tại Thái Bình ngày 24/02
Về giải pháp cụ thể, Thủ tướng yêu cầu: Trong tháng 6/2017, phối hợp với Bộ Ngoại giao đề xuất phương án ứng phó, đề xuất giải pháp đàm phán đối với khả năng thay đổi chính sách của Mỹ áp dụng cho sản phẩm tôm, cá tra của Việt Nam, đảm bảo mục tiêu giữ được thị trường xuất khẩu quan trọng này; chủ động đề xuất và triển khai các giải pháp duy trì, tăng cường xuất khẩu các mặt hàng nông sản sang Trung Quốc; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tăng cường các hoạt động xúc tiến, quản bá, tạo thị trường cho nông sản.
Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chú trọng khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, liên kết theo chuỗi giá trị; kịp thời điều chỉnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn chặt với thị trường và lợi thế của Việt Nam.
Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan tăng cường kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm nông nhiệp, nhất là sản phẩm thịt lợn, gia súc, gia cầm; tăng cường theo dõi và chuẩn bị tốt các giải pháp phòng chống dịch bệnh ở cây trồng và vật nuôi, phòng chống thiên tai.
Nguồn: http://www.tongcucthuyloi.gov.vn