Trang chủTin Bộ Nông nghiệp và PTNN

Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương ứng phó COVID-19

Sáng 10/4, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các địa phương về những giải pháp, nhiệm vụ để ứng phó tổng thể, toàn diện với những tác động từ dịch COVID-19 tới các mặt của kinh tế và đời sống xã hội. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường tham gia hội nghị tại điểm cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT).


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hôi nghị trực tuyến

Đây được xem là hội nghị "Diên hồng” để khơi dậy quyết tâm, ý chí mạnh mẽ hơn cho 4 mặt trận nhằm ứng phó toàn diện với các tác động từ dịch COVID-19 với các mục tiêu: tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ người dân, bảo đảm an sinh xã hội và bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nêu về những khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra. Thủ tướng cho biết, chưa bao giờ các quốc gia trên thế giới đưa ra các gói kích thích kinh tế lớn như hiện nay. Cùng với thế giới, Covid-19 tác động lớn đến nền kinh tế của nước ta, làm suy yếu cả cung và cầu.

Theo Thủ tướng Chính phủ, với mức tăng trưởng trong quý I/2020 là 3,82%. mức thấp nhất trong 10 năm qua. Trong đó có một số ngành là thế mạnh của Việt Nam nhưng tăng trưởng thấp như nông nghiệp, công nghiệp dịch vụ… Nhiều ngành như hàng không, du lịch, dịch vụ ảnh hưởng rất nặng nề. Doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 4% so với tháng 2. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực (thương mại, dịch vụ, bất động sản, hàng không…) hoạt động cầm chừng, thiếu nguyên liệu, thu hẹp quy mô lao động…

“Những vấn đề đó đặt ra rất cấp bách đối với nước ta, mang tính sống còn đối với sản xuất kinh doanh. Do đó, nếu không có biện pháp phục hồi mạnh mẽ thúc đẩy sản xuất kinh doanh sẽ kéo theo hệ lụy lớn về kinh tế - xã hội, đặc biệt chúng ta đang tiến tới Đại hội Đảng các cấp lần thứ 13. Nếu không có biện pháp quyết liệt, thì nền kinh tế dễ bị đổ gãy, bị âm trong phát triển”, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.

Theo Thủ tướng Chính phủ, hội nghị này là hội nghị trực tuyến “4 trong 1”, “tất cả trong 1”, nhằm huy động tổng lực của đất nước, huy động khí thế quyết tâm của cả nước chiến thắng dịch và vươn lên trong cuộc sống.

Thủ tướng nhấn mạnh, phải biến nguy thành cơ, sau dịch, nền kinh tế phải tăng trưởng tốt, phải đạt được tầm nhìn, quyết tâm về Việt Nam độc lập, tự cường. Việt Nam chưa từng biết lùi bước trước khó khăn, quyết tâm trên dưới một lòng.

Người đứng đầu Chính phủ cũng đã cảm ơn người dân đã đồng hành, chia sẻ cùng Chính phủ ngăn ngừa dịch bệnh, thấy được sự cùng cố gắng của các cấp các ngành, nền kinh tế có tăng trưởng. Quyết tâm của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đưa ra các dự báo lạc quan về nền kinh tế và sự phục hồi của kinh tế Việt Nam.

Ngành nông nghiệp tập trung phát triển thị trường Trung Quốc và trong nước

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết: "Về lương thực, đến tháng 4, chúng ta đã tổ chức vụ đông xuân xong ở nhiều vùng như ĐBSCL, Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, tổng số cỡ 2 triệu ha đã thu hoạch xong, đạt 13 triệu tấn và vượt nhẹ chỉ tiêu".

Theo Bộ trưởng, vụ đông xuân hiện nay còn 1,1 triệu ha từ Huế trở ra, gồm 31 tỉnh, mặc dù chỉ chiếm 30% diện tích lúa nhưng rất quan trọng trong cơ cấu an ninh lương thực do có dân số xấp xỉ 50% của cả nước.

Hiện nay, tất cả 31 tỉnh này đã xác định được nhiệm vụ và tập trung chỉ đạo vụ đông xuân, với đà này, từ Huế trở ra sẽ có vụ đông xuân thắng lợi, hoàn thành mục tiêu đạt 20,5 triệu tấn thóc. Các vụ còn lại trong năm sẽ được tiếp tục với quan điểm chỉ đạo đồng bộ các nhóm giải pháp để cả năm đạt được 43,5 triệu tấn thóc.

Bên cạnh đó, cả nước cơ bản hoàn thành chỉ tiêu về thực phẩm, từ nay đến cuối năm vẫn đảm bảo được. Tuy nhiên, đàn lợn có tốc độ hồi phục còn chậm do ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi nên giá còn cao.

"Riêng chỉ tiêu xuất khẩu nông sản, trong quý I mới đạt bằng 3 tháng đầu năm 2019, tới đây sẽ tập trung tháo gỡ, trong điều kiện một số thị trường lớn đang bị đóng băng. Trước mắt, ngành Nông nghiệp sẽ thúc đẩy thị trường Trung Quốc và thị trường trong nước", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết thêm.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phát biểu trong phiên họp trực tuyến tại điểm cầu Bộ NN-PTNT

Liên quan thị trường Trung Quốc, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh nói sẽ phối hợp với Bộ NN&PTNT để thúc đẩy buôn bán hàng hóa qua biên giới. Tuy nhiên, các địa phương cần theo dõi các khuyến cáo từ Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT để không để xảy ra tình trạng lãng phí khi đưa nông sản lên biên giới khi chưa xuất được.

Thị trường trong nước cần khai thác lợi thế của thương mại điện tử, theo ông Trần Tuấn Anh, Bộ Công thương sẽ đưa ra các cơ chế để hỗ trợ các doanh nghiệp để phát triển thị trường 100 triệu dân.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đang có thị trường ổn định cũng được hỗ trợ hết sức để duy trì và phát triển sau dịch.

Tới đây, các thị trường cỡ lớn như EU, Mỹ, Trung Quốc... đều có tiềm năng trong khôi phục xuất khẩu sau dịch trong quý III và quý IV. Bộ Công thương đang tập trung xử lý tồn đọng để khai thông thị trường Trung Quốc, tránh tình trạng ùn tắc nông sản ở biên giới phía Bắc.

Về xuất khẩu gạo, Bộ trưởng Công thương lưu ý, để đảm bảo an ninh lương thực, trong bối cảnh diễn biến thời tiết và dịch bệnh trong nông nghiệp còn phức tạp sẽ giới hạn lượng xuất khẩu là 400.000 tấn trong tháng 4. Trên cơ sở đó, cần tiếp tục theo dõi để cho các chính sách linh hoạt về xuất khẩu gạo trong thời gian tới.

Nguồn: https://www.mard.gov.vn/

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác