Không tạo ra sự cắt khúc về thẩm quyền trong quản lý tài nguyên nước
Chiều 18/6, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Nhiều đại biểu đã tập trung phân tích những những nội dung bất cập trong dự luật này.
Đại biểu Bùi Thanh Tùng – đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hải Phòng, cho rằng dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi tiếp cận theo hướng tích hợp tất cả các quy trình thủ tục xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường, giấy phép xả thải, cấp đăng ký chủ nguồn thải vào một quy trình để giảm bớt thời gian và thủ tục hành chính.
Về cơ bản đây là một cách tiếp cận tích cực, nhưng một số điểm cần nghiên cứu một cách thấu đáo để đảm bảo phù hợp thực tế và tính khả thi trong việc tích hợp này.
Theo đại biểu Bùi Thanh Tùng, đối với việc tích hợp giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi và giấy phép môi trường cần được cân nhắc kỹ. Bởi quản lý môi trường cho các công trình thủy lợi là một khâu trong quy trình quản lý thống nhất, rất đặc thù và đã được quy định trong Luật Thủy lợi năm 2017 vừa mới được Quốc hội thông qua không lâu.
Đoàn thanh tra của Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) kiểm tra hoạt động cấp phép xả thải vào hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải tại Hưng Yên. Ảnh: Kế Toại.
Và khi thực hiện “không có vướng mắc”, trong đó việc quản lý xả nước thải từ khâu cấp phép đến khâu kiểm tra, thanh tra, giám sát gắn chặt với công tác quản lý số lượng, chất lượng nước trong hệ thống công trình thủy lợi, các biện pháp quản lý an toàn thủy lợi.
“Tách một khâu cấp phép xả thải ra khỏi quy trình này cùng với việc chuyển chức năng kiểm tra, thanh tra sau cấp phép về ngành tài nguyên môi trường có thể gây ra sự cắt khúc về thẩm quyền quản lý nhà nước đối với tài nguyên nước trong lĩnh vực thủy lợi và bỏ sót thẩm quyền quản lý Nhà nước của Bộ NN-PTNT”, ông Bùi Thanh Tùng nhấn mạnh.
Vị đại biểu đoàn Thành phố Hải Phòng cũng cho rằng, nội dung báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường tại điểm d khoản 1 và điểm m khoản 2 Điều 47 yêu cầu phải đánh giá tác động đến an toàn của công trình thủy lợi là chồng chéo về thẩm quyền. Đề nghị trước mắt nên giữ nguyên như hiện hành và có đánh giá kỹ tác động trước khi xem xét sửa đổi, bổ sung.
Không để hiện tượng tranh chấp “quyền anh, quyền tôi” trong quản lý môi trường
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Đinh Duy Vượt (đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai) yêu cầu ban soạn thảo dự luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) cần rà soát để loại bỏ chồng chéo, xung đột với các luật hiện hành.
Cụ thể, dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) tích hợp 6 giấy phép, trong đó có 5 giấy phép ngành tài nguyên môi trường đã và đang cấp và gộp thêm một giấy phép do ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cấp.
Đại biểu Đinh Duy Vượt - đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai.
“Tôi đồng ý với phân tích của đại biểu Tùng và đại biểu Hoa Ry (tỉnh Bạc Liêu). Tôi nói rõ thêm, việc tích hợp trên đây sẽ gây xung đột trách nhiệm, “quyền anh quyền tôi”, lợi bất cập hại, gây thiệt hại cho sản xuất, môi trường”, đại biểu Vượt nói.
Theo đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai, Luật Tài nguyên nước đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin ý kiến các đại biểu quy định trường hợp xả thải vào các công trình thủy lợi theo Luật Thủy lợi.
Mặt khác Luật Thủy lợi mới có hiệu lực từ ngày 1/7/2018, quy định giao cho Bộ NN-PTNT chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về thủy lợi; chịu trách nhiệm về chất lượng nước, phục vụ tưới tiêu; đảm bảo an toàn các công trình thủy lợi; giám sát, kiểm tra, cấp phép hoạt động trong phạm vi công trình thủy lợi, quy định tại điều 44.
Mặt khác việc tích hợp trên sẽ phải sửa 2 luật liên quan là Luật Thủy lợi và Luật Tài nguyên nước. Chính vì vậy, đại biểu Đinh Duy Vượt đề nghị giữ nguyên quy định của Luật Thủy lợi và Luật Tài nguyên nước hiện hành.
Nguồn: nongnghiep.vn